fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Kim Matthews: Nữ vô địch chặng đua siêu marathon 100km

Kim Matthews: Nữ vô địch chặng đua siêu marathon 100km

Nữ VĐV người Úc Kim Matthews giành ngôi vô địch cự ly 100km tại VMM 2017. Năm 2018, cô sẽ tham dự giải Vietnam Jungle Marathon và có ý định bảo vệ danh hiệu của mình tại VMM. Kim bắt đầu chạy bộ từ 10 năm trước với các sự kiện 5km – hãy cùng tìm hiểu thêm về hành trình trở thành nhà vô địch tại nhiều giải chạy quốc  tế, quá trình luyện tập, chế độ dinh dưỡng của cô và nhiều điều thú vị khác nữa.

Kim Matthews, nữ vô địch cự ly 100km tại VMM 2017

Chào Kim, chị có thể chia sẻ về nền tảng thể thao của mình và điều gì đã đưa chị đến với môn chạy bộ đường dài?

Từ khi còn bé, tôi đã là một đứa trẻ hiếu động, tham gia nhóm các vận động viên nhí và chơi bóng rổ trong nhiều năm. Tôi và chồng bắt đầu chạy bộ khoảng 10 năm trước. Chúng tôi tham gia một cuộc đua tổ chức tại địa phương với cự ly 5km và ngay lập tức yêu thích bộ môn này. Vài năm sau đó, chúng tôi đã tham gia các cuộc đua dài hơn và cuối cùng đã tiến tới cự ly marathon.
Hai năm trước là lần đầu tiên tôi tham gia cuộc đua siêu marathon 50km (ultramarathon), được tổ chức tại Úc. Hiện tại tôi đang tập trung chủ yếu vào chạy địa hình.

Chị đã đạt được thành tích cao ngay từ khi bắt đầu hay mãi sau đó thành công mới đến?

Tôi chưa bao giờ là một người chạy đường nhựa tốt  cả. Tốc độ chạy của tôi đã không đủ để theo kịp các vận động viên có kinh nghiệm tại Úc và thành tích tốt nhất tôi có thể đạt lúc đó là vị trí thứ 3 tại một vài cuộc đua. Chiến thắng đầu tiên tôi giành được là tại cuộc đua siêu marathon đầu tiên mà tôi hoàn thành. Không lâu sau cuộc đua này, tôi đã chuyển tới  Châu Á và may mắn giành chiến thắng tại một vài cuộc đua khác.

Trên trang web cá nhân Run-Eat-World (Chạy-Ăn-Khám phá thế giới) của mình, chị nhấn mạnh về việc ăn chay. Chị bắt đầu chạy bộ trước khi ăn chay hay ngược lại? Chị nghĩ ăn chay có tác động gì đến việc chạy bộ của cá nhân mình không?

Tôi bắt đầu ăn chay từ cách đây hai năm rưỡi, khi bắt đầu tập luyện cho cuộc đua siêu marathon đầu tiên của mình. Tôi đã dừng chạy sáu tháng trước khi chuyển sang chế độ ăn chay này, vì thế thật khó để biết chính xác tác động của chế độ ăn chay đối với việc chạy của bản thân. Tôi có khá nhiều năng lượng và có thể nhanh chóng hồi phục để cho phép cơ thể chịu được quá trình tập luyện cao, và cơ thể tôi khá dễ dàng chuẩn bị năng lượng cho các cuộc đua dài. Tôi ăn chay chủ yếu vì lý do đạo đức, nhưng thực tế thì việc chạy của tôi cũng đã được cải thiện đáng kể trong thời gian này. Có thể xem đó là một thành quả nữa!

Chị có thể chia sẻ về bữa ăn điển hình của mình vào đêm và sáng trước cuộc đua?

Tôi đi xa để tham dự hầu hết các cuộc đua, vì thế bữa ăn vào tối trước cuộc đua thay đổi tùy thuộc xem nơi tôi đến có những gì. Tôi luôn cố gắng nạp nhiều tinh bột cho cơ thể, ở châu Á tinh bột chủ yếu có trong mì hoặc cơm. Hồi còn ở Úc, tôi nạp tinh bột bằng cách ăn pizza, nhưng việc tìm được một quán pizza chay tại các thị trấn nhỏ ở Đông Nam Á dường như là không thể!

Vào bữa sáng, tôi thường uống Runivore và hạt Chia mà tôi mang theo từ nhà. Tôi ngâm chúng trong nước qua đêm và sau đó thêm quế, trái cây khô và chuối; vậy là sẵn sàng cho cuộc đua rồi.

Được biết chị hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, chị có thể chia sẻ thêm về địa điểm chị thường tập luyện cho các cuộc đua địa hình?

Thật tế thì việc sinh sống ở Sài Gòn rất khó cho việc tập luyện. Hầu hết tội luyện chạy trên đường bằng, sử dụng các cây cầu và cầu thang để tập luyện cho địa hình đồi núi. Nếu có thời gian, tôi thường đi xa vào cuối tuần, tìm đến một thị trấn nhỏ để chạy đường đất hoặc đường núi, hiện tại tôi không thể thực hiện việc này thường xuyên như mong đợi.

Một tuần tập luyện điển hình trước mùa giải của chị bây giờ là gì?  

Sau cuộc đua gần nhất, tôi đã hoàn toàn nghỉ chạy trong hai tuần để cơ thể được thư giãn. Sau đó, tôi đã bắt đầu lại từ từ với các chặng ngắn và dễ dàng trước khi quay lại với việc tập luyện đầy đủ. Hiện tại, tôi đang quay trở lại với tiến độ tập luyện 100+km/tuần, bao gồm 1-2 lần chạy dài và tăng tốc. Tôi cũng cố gắng tập luyện các môn tăng cường thể lực và cơ bắp mỗi tuần vài buổi để giúp ngăn ngừa thương tích và cải thiện cách chạy của mình.

Chị đã giảm dần cường độ tập cho tuần cuối trước cuộc đua như thế nào?

Việc giảm dần cường độ tập luyện chủ yếu phụ thuộc vào độ dài và độ khó của cuộc đua. Thường tôi sẽ tập trung vào việc chạy ngắn, khoảng 5-10km và luyện tăng tốc bằng việc chạy bước dài. Thật khó để chỉ chạy ngắn cả tuần liền nhưng tôi biết điều này sẽ giúp mang lại kết quả tốt nhất. Tôi thường không thay đổi khẩu phần ăn của mình nhiều cho tới 1 ngày trước ngày đua, chỉ lúc đó tôi mới ăn nhiều hơn một chút. Trước vài ngày, tôi sẽ tăng lượng tinh bột lên một chút để đảm bảo rằng lượng glycogen dự trữ của tôi sẽ đạt mức tối đa trước cuộc đua.

Người chạy đường bằng có thể chọn một tốc độ và cứ thế duy trì nó trong quá trình chạy; nhưng hiển nhiên cách này không có tác dụng khi chạy địa hình. Chị có thể chia sẻ thêm về các chiến thuật tốc độ của mình không?

Tốc độ hoàn toàn dựa trên cảm giác. Tôi không cố gắng đạt được một con số cụ thể và không thường kiểm tra tốc độ của mình trên đồng hồ. Tôi luôn cố gắng hết sức mình để giữ tốc độ thoải mái ngay từ lúc bắt đầu và biết rằng sẽ càng phải nỗ lực nhiều hơn trong quá trình chạy. Tôi có thể nói chuyện với ai đó khi chạy qua những đoạn đường bằng hoặc trên các đoạn đổ dốc; tôi thường đi bộ hầu hết tại các đoạn lên dốc. Hoàn thành cuộc đua một cách thoải mái thì hay hơn là bị kiệt sức, cảm giác còn đủ năng lượng cho cú nhảy ở vạch đích thật ra rất tuyệt vời.

Quay trở lại với VMM, điều khó khăn nhất và điều tuyệt vời nhất là gì? Có khi nào chúng giống nhau…

Phần khó khăn nhất tại VMM chắc chắn là đoạn đường dốc cuối cùng. Tôi nghĩ đó là đoạn dốc nhất suốt chặng đua và đã phải dùng tay để leo lên tại một số đoạn. Đi xuống cũng không hề dễ dàng – những hòn đá nhọn giống như những chiếc dao găm ngay dưới chân, khiến tôi cảm thấy đau tê buốt. Thế nhưng ý nghĩ đích đến đang ở rất gần đã giúp tôi vượt qua khỏi sự tra tấn này và chạy trên những cây số cuối cùng để về đích.

Còn điều tuyệt vời nhất thì đó có lẽ là lúc mặt trời mọc. Chúng tôi đã chạy suốt đêm và không hề biết quanh mình là cái gì. Ngay khi những tia sáng đầu tiên ló rạng, tôi nhận ra mình đang ở giữa một thung lũng bao quanh bởi các đỉnh núi mờ sương và những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Tôi thấy mình dừng liên tục để có thể cảm nhận được tất cả vẻ đẹp đó. Đó là khung cảnh tuyệt vời nhất mà tôi từng nhìn thấy trong một cuộc đua đường núi.

Chị có lời khuyên nào dành cho những người đang suy nghĩ về việc tham gia chạy 100km lần đầu tiên?

Hãy lên kế hoạch tập luyện cho bản thân bắt đầu bằng những cuộc chạy dài dần ra và cả lịch trình cho những ngày nghỉ ngơi, thư giãn. Song song với đó, đừng quên việc luyện tập để tăng tốc độ và sức bền. Trong các cuộc chạy dài hàng tuần, nên chú trọng luyện tập chiến lược bổ sung năng lượng và nước uống để biết liệu chúng có thực sự hiệu quả với cơ thể của bạn hay không. Trong quá trình tập luyện, bạn nên mang các dụng cụ chạy, giày và quần áo bạn sẽ mặc vào ngày đua để không thấy lạ lẫm khi đua thực sự. Điều cuối cùng là đừng quên tận hưởng những trải nghiệm của bản thân bởi chắc chắn bạn sẽ gặp gỡ rất nhiều con người tuyệt vời và được đắm mình trong những khung cảnh tuyệt vời sẽ in sâu trong tâm trí bạn đến suốt cuộc đời!