fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Dự án RUN100 gây quỹ cho Operation Smile của Đỗ Trọng Nhơn

Dự án RUN100 gây quỹ cho Operation Smile của Đỗ Trọng Nhơn

Nổi tiếng với khả năng chạy trail của mình, Đỗ Trọng Nhơn mới đây đã hoàn thành thử thách 100km đường nhựa và gây quỹ gần 30,000 USD (gần 670 triệu đồng) cho tổ chức Operation Smile. Trong bài phỏng vấn dưới đây, Nhơn chia sẻ về động lực chạy bộ của mình, những khó khăn khi so sánh chạy đường bằng với đường núi, làm sao để không bị chấn thương, vai trò quan trọng của những người hỗ trợ và nhiều nội dung khác.

Lời đầu tiên, xin được chúc mừng bạn đã hoàn thành thử thách 100km với tốc độ trung bình 5 phút 24 giây mỗi ki-lô-mét. Rất nhiều bạn độc giả của chúng tôi có lẽ sẽ rất hạnh phúc khi duy trì được tốc độ đó cho dù chỉ 5km. Giờ nghĩ lại, bạn có cảm nghĩ thế nào về trải nghiệm đặc biệt này?

Hưng phấn có, thử thách có, quyết tâm có, vất vả có, đánh đổi có, thành công có, vỡ òa có, …và tất nhiên là hạnh phúc, rất hạnh phúc. Đó là tất cả những cảm xúc của tôi khi nghĩ về Dự án RUN100 vừa rồi.

 

Điều gì đã thúc đẩy bạn thực hiện thử thách 100km này và lựa chọn gây quỹ cho Operation Smile?

 Ý tưởng thực hiện thử thách 100KM của tôi bắt đầu từ khi có thông tin sắp kết thúc Chỉ thị 16 tại Tp. HCM vào cuối tháng 9. Ban đầu đơn giản chỉ là tôi muốn có một mục tiêu để tìm lại động lực tập luyện sau gần 5 tháng ở nhà do giãn cách xã hội.

Và tôi luôn muốn có cơ hội giúp các trẻ em không may mắn có cơ hội tái tạo nụ cười sau khi thấy hình ảnh của em bé trước khi được phẫu thuật và hình ảnh thay đổi sau đó của bé trên một tấm ảnh trong quầy của tổ chức Operation Smile khi tôi tham gia giải VTM 2020. Đó là lý do tôi chọn chạy vì các bé và chạy vì Operation Smile.

Cột mốc 8h30 phút đơn giản chỉ là một cột mốc tôi tự quy đổi từ pace chạy easy của tôi từ 5:00-5:05. Tôi tự hỏi liệu mình có thể duy trì easy pace này đến bao nhiêu km.

 

Điều gì thúc đẩy bạn chạy bộ nói chung và chạy cự ly dài nói riêng?

Với chạy bộ, tôi thấy bản thân mình thay đổi từng ngày, thay đổi về thể chất lẫn tinh thần. Tôi rắn chắc hơn, tôi khỏe mạnh hơn, ít ốm vặt hơn. Tôi điềm tĩnh hơn, tôi kỷ luật hơn, tôi vui vẻ hơn, thái độ nhìn nhận mọi việc cũng đa dạng hơn. Tôi có nhiều bạn mới hơn, tôi được thử sức và trải nghiệm nhiều hơn …. tôi tin rằng mình có thêm nhựa sống và nhiều chất liệu hơn trong cuộc sống và công việc.

Với chạy dài, đặc biệt là những cự ly ultra, tôi luôn tìm thấy khoảnh khắc tĩnh lặng trong lúc chạy, đó cũng là lúc tôi nghĩ về nhiều thứ xảy ra xung quanh tôi và sự chiêm nghiệm sau những chặng đường dài là điều tuyệt vời nhất.

100km đường nhựa hẳn là rất khác với 100km địa hình. Đi bộ 100km đường núi sẽ khó hơn 100km đường bằng, nhưng chạy 100km với tốc độ trung bình 5 phút 24 giây hẳn là khó hơn 100km địa hình phải không? Nếu bạn cũng thấy vậy, thì theo bạn, lí do là gì?

 Tôi khẳng định là chạy ultra road khó hơn rất nhiều so với chạy ultra trail. Vì:

  • Bạn không được đi bộ trong lúc chạy (tùy bạn quyết định nhưng để có kết quả tốt thì không nên).
  • Guồng chân, nhịp tim, các bộ phận trên cơ thể hoạt động liên tục và tập trung vào các nhóm cơ chính như bắp chân, tay-vai, hông, cơ mông, khớp gối…Không có sự thay đổi trong suốt quá trình chạy nên các bộ phận trên sẽ trở nên quá tải.
  • Khi chạy trail, bạn có thể luân phiên thay đổi tư thế và các nhóm cơ, lúc chạy, lúc leo, lúc đi bộ. Nhờ vậy, nhiều nhóm cơ khác nhau được luân phiên hoạt động và có thời gian hồi phục.

 

Chúng tôi được biết bạn có 4 người dẫn tốc cùng đồng hành. Bạn đã chọn lựa họ ra sao và họ đã hỗ trợ bạn thế nào?

Thật ra kế hoạch ban đầu của tôi là 04 pacer và có sự thay đổi phút cuối khi chị Thoa bị dương tính Covid và tôi đã rất tin tưởng khi lựa chọn pacer thay thế là anh Đoàn Ngọc Hoàng. Hai anh em chưa tập luyện chung lần nào nhưng tôi đã gặp anh trong nhiều race và ấn tượng với khả năng của anh.

Với tôi, tất cả mọi người đều quan trọng như nhau. Ngoài yếu tố chuyên môn và thể lực thì các anh/chị đều là những người truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong bộ môn chạy bộ này.

Tôi nhìn thấy trong ánh mắt của mọi người luôn tin tưởng tôi sẽ hoàn thành nó dù bất cứ giá nào, đó chính là nguồn động viên lớn nhất đối với tôi.

Bên cạnh sự hỗ trợ của những người dẫn tốc, bạn có chiến lược tinh thần nào để vượt qua những giấy phút khó khăn đó không? Một câu thần chú hay điều gì đó bạn tự nói với bản thân để bước tiếp khi mọi thứ trở nên khó khăn?

Trước khi bước ra vạch xuất phát, ngoài việc chuẩn bị chiến lược về tốc độ, tiếp nước, dinh dưỡng, trang phục, thời tiết… việc lựa chọn chạy theo mục tiêu cuối cùng với mốc thời gian bao nhiêu là quan trọng nhất vì nó quyết định đến sự thành công của cả đoạn đường.

Tôi đã chuẩn bị cho mình 03 kết quả:

  • Hoàn thành trong mốc 8h20p
  • Hoàn thành trong mốc 8h30p nếu xảy ra sự cố ở mục tiêu đầu tiên
  • Hoàn thành 100km trong mốc thời gian tốt nhất có thể nếu xảy ra sự cố ở 2 mục tiêu đầu tiên.

Tất nhiên tôi không lên phương án trên để tự thỏa thuận với chính bản thân mình cho sự thất bại nhưng ở những thử thách khắc nghiệt như thế này và mục tiêu tất cả vì cộng đồng thì việc đối mặt với những áp lực ở nhiều thời điểm khác nhau là rất lớn và bạn cần có sự chuẩn bị về tinh thần để đối mặt với những áp lực đó để vượt qua chứ không phải là chọn bỏ cuộc giữa chừng.

 

Được biết, bạn đã rất xúc động khi tới vạch đích. Bạn có thể mô tả đôi lời về những cảm xúc lúc đó không?

Tôi thật sự vỡ òa khi đồng hồ vừa chạm mốc 100km, mới chỉ cách đó 11km ở mốc số 89km, cơ thể tôi như suy sụp và muốn bỏ cuộc bất cứ lúc nào nhưng lý trí tôi thì vẫn chiến đấu.

Cảm giác sau hơn 3 tháng tập luyện và 9h căng thẳng nhất thì mọi công sức được đền đáp một cách xứng đáng. Không gì tuyệt vời hơn cảm giác hoàn thành thử thách trong vòng tay của bạn bè và cộng đồng chạy bộ.

 

Cự ly marathon (42km) đầu tiên của bạn khá gần đây – năm 2018. Sau đó bạn vô địch cự ly 55km tại VJM 2019. Dành cho những bạn chuyển từ chạy ngắn sang chạy dài, bạn có thể chia sẻ thêm mình đã lên kế hoạch tập luyện ra sao trong 2 năm đầu đến với chạy bộ được không?

Trong 02 năm đầu tiên chạy bộ, tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người cũng giống tôi về quá trình tập luyện.

Trong năm đầu tiên: Tập chạy từng bước chân một, từng trăm mét rồi đến 1km, rồi đến 2km…cứ thế cho đến khi tôi chinh phục cột mốc đầu tiên là cự ly FM.

Tôi đã đi quá nhanh và hấp tấp khi đùng một cái chạy luôn cự ly 42km mà chưa chạy các cự ly 5-10-21km trong race trước đó.

Sau đó là khoảng thời gian bị hưng phấn và bị cuốn vào việc tham gia rất nhiều race và không có quá nhiều thời gian để tích lũy. Rồi tôi nâng khối lượng tập luyện lên quá nhanh dẫn đến những chấn thương lớn.

Qua năm thứ hai, tôi bắt đầu điềm tĩnh hơn nhờ chịu khó tham khảo nhiều tài liệu về chạy bộ hơn. Cơ thể tôi cũng được tích lũy nhiều hơn sau hơn một năm tập luyện và thi đấu. Tôi cẩn thận hơn trọng việc lựa chọn giải đấu, nghỉ ngơi, dinh dưỡng và phục hồi. Tất cả những kinh nghiệm đều được rút ra từ những thất bại, hay những lần chấn thương trước đó. Tôi hiểu rằng thể thao cần gắn liền với khoa học và cần sự tích lũy chứ không được nóng vội.

Bạn đã lên kế hoạch tập 12 tuần để chuẩn bị cho thử thách 100km này. Hãy chia sẻ ngắn về lịch tập ấy và những phần tập trọng tâm trong đó.

KẾ HOẠCH TẬP LUYỆN CHO 100KM SUB 8H 30P

Tôi đã lên một kế hoạch tập luyện kéo dài 12 tuần gồm: 103 – 110 – 110 – 123 – 135 – 160 – 160 – 123 – 165 – 140 – 103 – tuần challenge.

  •  4 tuần tạo “Base” sau khi ngủ đông 3 tháng với Chỉ Thị 16
  •   1 tuần “Progress” tăng nhẹ khối lượng để nghe ngóng sức chịu đựng của cơ thể trước khi vào giai đoạn “Peak”
  •  4 tuần “Peak” tăng khối lượng và cường độ đến đỉnh và tuần tập trung nhất cho mục tiêu 100km liên tục pace 5:06
  •  3 tuần “Taper” hạ dần khối lượng và chuẩn bị thể trạng tốt nhất cho ngày chạy vào cuối tuần thứ 12.

Sau khi lên plan hoàn chỉnh, tôi đã trao đổi với anh Quang Trần để nhận sự góp ý và điều chỉnh cho kế hoạch trở nên sát với mục tiêu nhất và cũng đảm bảo tập luyện “Thông minh” và “hiệu quả” mà lại tránh chấn thương.

 

Bạn có nhắc đến những chấn thương trong năm đầu chạy bộ, nhưng có vẻ như hiện giờ, bạn có khả năng chạy rất nhiều mà không bị chấn thương – một việc mà rất nhiều bạn đọc mong muốn có thể làm được. Bạn có lời khuyên nào cho các bạn ấy trong việc tránh bị thương không?  

Thật ra, tôi vẫn gặp chấn thương đấy. Tất cả mọi người đều có thể bị chấn thương khi chơi bất kỳ một môn thể thao nào đó, và đối với chạy bộ cũng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ chấn thương ở nhiều vị trí.

Quá trình tập luyện trong 03 năm qua của tôi đã gặp phải ít nhất 4 chấn thương dai dẳng. Trong đó chấn thương nghiêm trọng nhất là ITBS (Hội chứng dải chậu chày) đã lấy đi của tôi 7 tháng quý giá trong năm 2021. Và tôi đã rất kiên nhẫn để tập luyện và hồi phục.

Lời khuyên của tôi dành cho tất cả mọi người là hãy thật bình tĩnh, biết tình trạng thể lực và sự tích lũy của bản thân nằm ở mức độ nào trước khi lựa chọn bất kỳ mục tiêu nào trong chạy bộ.

Và cuối cùng, hãy xây dựng cho mình một lộ trình tập luyện trước mỗi mục tiêu để có cơ hội nhìn nhận lại mình đã đúng và sai ở điểm nào.

Chúng tôi được biết bạn có kế hoạch đấu giá chiếc đồng hồ Garmin có lưu tracklog của buổi chạy này. Việc đấu giá đã được tiến hành chưa và nếu rồi, cập nhật mới nhất là gì?

Sau khi hoàn thành thử thách Run100 tôi đã bán đấu giá chiếc đồng hồ Garmin Enduro và người thắng cuộc cuối cùng là anh Bản Trần, một runner kỳ cựu và cũng rất mê các thử thách như tôi với giá trị cuối cùng là 46tr đồng. Tất cả số tiền trên được chuyển thẳng vào Tài khoản chính thức của Tổ chức Operation Smile để phẫu thuật cho các Bé.

 

Cuối cùng, bạn có nghĩ sẽ thực hiện lại thử thách này trong tương lai không? Hay bạn đã có ý định thực hiện một thử thách khác rồi?

Chắc chắn tôi sẽ chinh phục mốc 100km với thời gian tốt hơn trong năm 2022, thời điểm thì tôi sẽ lựa chọn khi đã tích lũy đủ.

Những thử thách khác thì luôn ở phía trước, nó thúc đẩy tôi mỗi ngày.

 

Đọc thêm những bài phỏng vấn các VĐV khác của chúng tôi tại đây.