fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Trang Hạ – Nữ nhà văn chạy bộ

Trang Hạ – Nữ nhà văn chạy bộ

Trang Hạ là nữ nhà văn nổi tiếng trong cộng đồng chạy bộ Việt Nam. Năm 2018 chị là nữ runner đầu tiên từ Việt Nam tham gia giải chạy Boston Marathon tại Mỹ và dự định sẽ quay lại VMM cho cự ly 70km. Bắt đầu chạy bộ khá muộn, ở độ tuổi 40 từ cự ly 10km tại VMM2015, nhưng những câu chuyện về chạy bộ của Trang Hạ đã truyền cảm hứng cho rất nhiều độc giả của mình…hãy cùng tìm hiểu thêm về hành trình trở thành một “marathoner” của chị và nhiều điều thú vị khác nữa.

     1.Chào chị Trang Hạ, trước hết chị có thể giới thiệu ngắn gọn về bản thân với các runners của chúng ta?

Tôi là một bà nội trợ 43 tuổi đang sống tại Hà Nội, có ba con – hai trai một gái, và đang nuôi 11 con mèo. Tôi làm những công việc lặt vặt và thời vụ để kiếm sống nhiều năm nay. Năm 2017, tôi được tạp chí Forbes Việt Nam bầu chọn là một trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng xã hội lớn (Vietnam Most Influential Women). Năm 2018 tôi sẽ tham dự Boston Marathon tại Mỹ và dự định sẽ tham dự VMM cự ly 70km. Đó là ba cột mốc vô cùng quan trọng với cuộc đời tôi, nhưng hai trong số đó lại bắt nguồn từ giải chạy VMM 2015. Cảm ơn Topas Travel mang lại cảm xúc tuyệt đẹp để tôi bắt đầu chạy bộ!

       2Điều gì đã đưa chị đến với bộ môn chạy bộ đường dài? Chị có thể chia sẻ thêm về nền tảng thể thao của mình với các runners của VMM?

Trước khi chạy bộ, tôi từng chơi thử các môn thể thao khác: Xe thể thao motocross, bóng đá nữ, võ Bình Định Gia, kick-boxing, ván buồm Win-surfing, leo núi Rock-climb, chèo thuyền Kayak, dù lượn Paragliding…

Năm 2015, tôi được Salomon Việt Nam tặng một đôi giày Speed-cross 3, và 1 suất tham dự VMM 2015. Vì chưa từng chạy bộ, nên tôi chọn cự ly 10km. Tôi không hề biết rằng mỗi giải chạy bộ lại là một lễ hội đầy màu sắc và cảm xúc như thế! Khi bế mạc VMM 2015, tôi tự hứa với bản thân mình rằng, sẽ quay lại Sapa với tư cách một vận động viên! Từ đó, tôi bắt đầu tập chạy bộ. Tôi mất 1 năm để có HM đầu tiên và 2 năm để có FM đầu tiên.

      3Chạy đường bộ và chạy đường mòn, chị thích cái nào hơn?

Tôi thích cả hai! Tôi yêu thích phong cảnh dọc đường chạy, tôi yêu thích núi non và rừng rậm, tôi cũng yêu thích việc chạy dọc các khu đô thị đông đúc. Khi tôi chuyển động trên đôi chân, tất cả thế giới đều trở nên thân thiện hơn, dễ nhìn thấu, mọi người xung quanh đều trở nên hấp dẫn và tò mò. Nhưng chạy đường mòn mang lại cảm giác khám phá, ngạc nhiên, những cảnh đẹp bất ngờ, nhiều thử thách khó khăn hơn, những đỉnh núi cao thách thức, nên tôi thấy chạy đường mòn mang lại nhiều điều tuyệt vời hơn cho tôi!

       4Chị từng tuyên bố sẽ “giải nghệ” ngay sau khi hoàn thành chặng đua marathon đầu tiên? Tuyên bố đó bây giờ có còn hiệu lực không?

Tôi tưởng FM là đích cuối cùng của một người chạy bộ. Khi đã tới đích rồi thì phải dừng lại và chuyển sang chơi môn thể thao khác! Nhưng sau khi chạy được FM đầu đời, tôi mới biết, marathoner là tên của một người vừa tới vạch xuất phát chứ không phải tên gọi một người về vạch đích! Vì thế, tôi lại chạy tiếp!

      5. Được biết, chị thường ở nhóm cuối về đích tại các giải chạy, đã bao giờ chị từng nghĩ về việc bỏ cuộc giữa đường đua?

Tôi chạy sai, chạy xấu, chạy chậm, không có kế hoạch luyện tập, không có chiến lược trước mỗi giải. Vì vậy, tôi đang cố gắng cải thiện thành tích để thoát khỏi “nhóm tử thần” trong các cuộc đua. Ai cũng biết người về bét trong các cuộc đua thường được truyền thông chú ý tới bởi những câu chuyện cá nhân, câu chuyện nghị lực, câu chuyện cảm hứng… Tôi cũng về bét nhưng tôi lại thấy xấu hổ với bản thân. Chúng ta đến với chạy bộ vì muốn trở nên tốt đẹp hơn, vậy tại sao từ chối việc trở nên tốt đẹp hơn trong chạy bộ? Tôi không muốn về bét bất cứ lần nào nữa!

      6. Chị được biết đến là một nhà văn nổi tiếng với nhiều cuốn sách bán chạy. Chị nghĩ có mối liên kết nào giữa việc chạy và viết không?

Chạy bộ giúp cho tôi cài đặt lại một cái đầu trống rỗng cho các cảm xúc mới, trải nghiệm mới, kế hoạch mới tiếp theo… Chạy bộ giúp quản trị cảm xúc tốt, tích lũy năng lượng cho mỗi ngày, tôi hy vọng cuốn sách best-seller tiếp theo của tôi sẽ là cuốn viết về chạy bộ!

      7Quay trở lại với VMM, có câu chuyện thú vị nào trong cuộc đua mà chị muốn chia sẻ với các runners? Các câu chuyện của chị về những người chạy bộ đã thực sự truyền cảm hứng chạy cho rất nhiều độc giả.

Tại giải VMM 2015, trên chuyến xe của Topas đi Sapa, tôi quen một nhóm các ông già là thuyền trưởng người Malaysia, họ là đồng nghiệp, giờ đều nghỉ hưu. Họ đều chạy 21km và nói với tôi: họ là những thuyền trưởng lên núi! Chạy trên núi họ vẫn là thuyền trưởng! Vì VMM là một hải trình đầy khó khăn đối với họ, vì có người bị bệnh cao huyết áp, có người bị bệnh thấp khớp. Đó là nhóm vận động viên để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, sao họ già hơn, yếu hơn mà họ chạy được 21km? Tôi rất muốn gặp lại họ và chào: Vì câu chuyện của các bác, mà tôi đã nhìn thấy, rồi tôi sẽ trở thành một bà già chống gậy chạy VMM sau này! Tôi cũng sẽ gia nhập cuộc đua này và thay đổi cuộc đời này của tôi!

Năm 2017, tôi quay lại Sapa và mang theo cả gia đình: chồng và con trai tôi chạy 10km. Năm 2018, tôi chưa đăng ký tham gia vì phải dành tiền để hoàn tất cuộc đua Boston Marathon.  Sau đó chắc tôi sẽ đăng ký VMM 2018 cho cả gia đình mình! VMM không chỉ thay đổi cuộc đời tôi mà còn là một cuộc đua đã thay đổi lịch sử gia đình tôi!

       8. Được biết chị đã tham gia VMM17 cùng hai con trai của mình. Chị đã truyền cảm hứng chạy cho gia đình mình như thế nào?

Tôi thường đặt đích đến cho các con là quán cà phê, hoặc công viên cách nhà 1km. Các con sẽ chạy tới nơi chúng yêu thích. Các phần thưởng trong gia đình tôi đều gắn với thành tích thể thao hoặc học tập của các con. Các con tôi rất thích không khí các cuộc đua, chạy bộ, bơi lội, chơi cờ vua, đạp xe v.v… đều là hoạt động hàng tuần trong gia đình tôi. 6 năm nay gia đình tôi không có tivi. Chúng tôi mua rất nhiều sách thiếu nhi, mua các app học tập, và chi tiền cho các khóa học thể thao của con. VMM 2018, hai bé 7-9 tuổi sẽ chạy 10km. Tôi hy vọng 2019, bé 10 tuổi sẽ chạy được 21km.

       9Chị chạy về đích với lá cờ Newborns trên tay. Chị có thể giới thiệu thêm đến các runners của VMM về tổ chức này và chia sẻ lý do chị lựa chọn chạy gây quỹ cho Newborns?

Tôi rất xúc động khi 2 tuần trước giải VMM 2017, được Topas đề xuất tôi tham gia nhóm chạy quảng bá kêu gọi quyên góp cho Newborns Vietnam. Đây là tổ chức Vì trẻ sơ sinh VN và tôi biết Newborns từ Chương trình đào tạo điều dưỡng Nhi sơ sinh và y khoa năm 2017. Tôi luôn theo dõi cuộc thi Iron man 70.3 và nhờ đó biết ông David Lloyd – giám đốc giải VMM cũng chính là người quảng bá kêu gọi quyên góp cho Newborns. Tôi rất hy vọng tôi cũng đóng góp được phần nhỏ bé nào đó, thông qua các hoạt động thể thao, cùng Newborns mang tới những cơ hội sống và sự chăm sóc tốt nhất cho các bé sơ sinh tại Việt Nam.

       10. Là một thành viên khá tích cực trong CLB LDR, chị nghĩ sao về các cộng đồng chạy bộ đang phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây?

Chạy bộ mang lại cho tôi một cộng đồng bạn bè rộng lớn, họ đều yêu thể thao, tư duy lành mạnh tích cực, lối sống khoa học, và chính nhóm bạn bè chạy bộ LDR tại Việt Nam đã trở thành nền tảng thực sự để tôi quyết tâm chạy bộ. Tôi tin rằng trong năm nay, hoạt động chạy bộ, thể thao các môn phối hợp sẽ được coi trọng đặc biệt, cộng đồng chạy bộ sẽ gia tăng kỷ lục bằng 10 năm trước đây cộng lại. Các giải đua sẽ thêm rất nhiều và có những cá nhân xuất sắc sẽ chuyển hướng sang giải đua ở nước ngoài, hoặc từ vận động viên chuyển sang công việc tổ chức giải, thiết kế các chặng đua để tạo cơ hội cho cộng đồng phát triển!

     11. Chị có lời khuyên nào cho những người mới bắt đầu chạy bộ?

Tôi muốn nói với bạn rằng: Cự ly khó nhất của một người chạy bộ không phải 42,195km đâu, mà là 1km từ chiếc giường ấm áp của bạn mỗi sáng! Nếu bạn chạy được 1km đó, bất kỳ cuộc đua nào bạn cũng sẽ về đích!