fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Q & A với Nhà vô địch nhiều giải chạy địa hình người Canada, Jeff Campbell

Q & A với Nhà vô địch nhiều giải chạy địa hình người Canada, Jeff Campbell

Tại giải chạy Vietnam Jungle Marathon, Jeff Campbell đã thêm một chiến thắng nữa ở cự ly 70km vào chuỗi thành tích dài của mình bao gồm: hai lần vô địch giải chạy Oxfam Trailwalker cự ly 100km, ba lần vô địch chuỗi giải chạy King of the Hills HK, chiến thắng tại The North Face HK cự ly 50km, thắng giải Tahura Trail tại Indonesia, và giải Ferei Dark cự ly 45km tại Hồng Kông

Trong bài viết này, chúng ta sẽ trò chuyện thêm với anh ấy về việc anh đã bắt đầu chạy bộ khá muộn, niềm đam mê của anh với thể thao, việc luyện tập và những điều mà chạy bộ đã mang lại cho cuộc sống của anh ấy, cùng nhiều nội dung khác.

Jeffrey Campbell VJM22 winner

Anh bắt đầu sự nghiệp chạy bộ khá muộn. Anh có thể cho người đọc biết anh đến với chạy bộ từ khi nào và điều gì đã đưa anh đến với bộ môn này?

Tôi chỉ bắt đầu chạy bộ khi chuyển đến Châu Á vào năm 2014. Thời điểm đó, tôi là một nhân viên văn phòng 32 tuổi khá mập mạp và không có chút kinh nghiệm nào về chạy bộ hoặc các môn thể thao mang tính cạnh tranh khác.

Tôi lớn lên hầu hết với các môn thể thao mang tính đồng đội như bóng chày và khúc côn cầu ở mức độ giải trí. Thật là may mắn khi những người tôi gặp đầu tiên khi đến Hồng Kông lại tình cờ là các VĐ chạy địa hình. Tôi thích môn thể thao này ngay lập tức. Chỉ trong vòng một năm, tôi đã trở nên nghiêm túc hơn cho việc chạy bộ và tập trung tìm cách để cải thiện thành tích trong các cuộc đua.

Cân nặng của anh đã giảm rất nhiều kể từ khi bắt đầu chạy bộ. Có phải việc đó hoàn toàn là do luyện tập không hay có khi nào việc luyện tập cũng đã tác động đến cách mà anh ăn uống? Nếu như vậy, cách tiếp cận với chế độ ăn của anh bây giờ là gì?

Việc giảm cân lúc nào cũng là một sự kết hợp giữa việc ăn uống và luyện tập (nạp calo và tiêu thụ calo). Đối với tôi, giảm cân là việc cần thiết để chạy nhanh hơn và cải thiện thành tích, nó diễn ra một cách tự nhiên khi tôi bắt đầu tăng cường độ chạy của mình lên. 

Người ta nói rằng bạn tập tành bao nhiêu cũng không bù trừ được cho một chế độ ăn tồi, nhưng việc luyện tập thường xuyên thực sự sẽ tiêu thụ rất NHIỀU calo! Tôi cho rằng mình đang có cân nặng lý tưởng cho việc chạy đua. Tôi có để ý đến cân nặng của mình nhưng không quá hà khắc trong chế độ ăn uống. 

Khi khởi đầu, anh đã tham dự những cự ly nào? Và anh đã nâng cự ly chạy của mình lên ra sao?

1-2 năm đầu tiên khi bắt đầu chạy bộ, tôi gần như chỉ tham gia cự ly rất ngắn (khoảng 10-15km). Tôi chạy khá nhanh, nhưng cơ thể của tôi hiển nhiên không có đủ sức bền để chạy dài hơn. Do vậy, tôi tập trung vào việc chạy nhanh hơn ở những cự ly ngắn đó, đồng thời cũng tăng cường độ luyện tập để có đôi chân khoẻ hơn. Sau đó, tôi bắt đầu nâng dần cự ly, từ 15km lên 30km, sau đó 50km, rồi tới 65km và cuối cùng lên cự ly 100km đầu tiên vào 2018.

Mỗi lần nâng cự ly lên, anh thấy thành tích của mình có bị ảnh hưởng gì không?

Đối với tôi, mỗi lần nâng cự ly đều không hề dễ dàng. Cảm giác khi vượt qua ngưỡng xa nhất mình từng chạy được giống như là bước vào một nơi vô định vậy. Lúc mới đến với chạy bộ, tôi đã có một vài trải nghiệm không tốt lắm khi tăng cự ly. Cự ly marathon đường bằng đầu tiên của tôi là năm 2015, và đó thực sự là một thảm hoạ với thành tích 3:59. Tôi đã chờ đợi 18 tháng để tập luyện kỹ càng cho thử thách marathon tiếp theo, và đã thành công rút ngắn thời gian xuống 2:53. 

Thử thách đầu tiên của tôi với cự ly 50km là giải chạy The North Face 50 tại Hồng Kông năm 2015. Tôi đã DNF (không hoàn thành). Tôi đã chờ đến 2 năm sau để thử lại chặng đường đó. Tôi trở lại với The North Face 50 vào năm 2017 và phá vỡ kỷ lục của cự ly đó.

Đó là một sự tiến bộ chậm rãi với nhiều chông gai, nhưng mỗi trải nghiệm đều cho tôi những bài học quý giá.

JEFFREY CAMPBELL VJM22 RUNNING

Anh có lời khuyên nào cho những chân chạy mới đang suy nghĩ về việc thử sức với cự ly dài hơn ở những giải chạy siêu đường dài không?

Với bất kỳ người chạy bộ nào, tất cả phụ thuộc vào mục tiêu của bạn là gì. Có một nguyên tắc chung, đó là hầu như ai cũng có thể tiến bộ chỉ bằng cách tập chạy nhiều hơn. Nếu bạn đang tập chạy 50km mỗi tuần, thành tích của bạn thường sẽ được cải thiện khi bạn nâng dần lên mức 80-100km. Tập một đến hai buổi cường độ cao một tuần cũng sẽ rất hiệu quả. Một số vận động viên (VĐV) chạy địa hình tránh chạy sân hoặc tập luyện chạy đồi, nhưng các buổi tập với cường độ cao như vậy sẽ giúp cải thiện sức bền cho những cự ly dài hơn.

Một tuần tập luyện tiêu chuẩn của anh tại Hồng Kông là như thế nào? Xét về khối lượng và số lượng của các bài tập dễ và khó.

Điều này phụ thuộc vào giải chạy tôi sắp tham dự. Một tuần luyện tập đặc trưng trước một giải chạy lớn sẽ là 120-150km, với độ cao đạt được khoảng 3,000-5,000m. Tuần đó sẽ có nhiều ngày tập “kép” – chạy ngắn vào buổi sáng và chạy dài hơn vào buổi chiều tối. Huấn luyện viên của tôi sẽ giao hai bài tập cường độ cao mỗi tuần, có thể là chạy sân hoặc tập luyện chạy đồi. Cuối cùng, tôi sẽ thực hiện một buổi chạy vào cuối tuần, cố gắng đạt được độ cao tương ứng với giải chạy sắp tới. 

Cách tiếp cận của anh với luyện tập là gì? Chúng tôi biết rằng anh thích tiến bộ qua những buổi tập dễ. Vậy những bài tập dễ / bài phục hồi với anh là như thế nào và chúng mang lại những lợi ích gì?

Tôi vẫn cố hết sức ở những bài tập khó và thả lỏng ở những phần tập khác. Những bài tập khó rất quan trọng để tối ưu hoá thành tích và để cơ thể tập thích nghi. Đồng thời, tập luyện ở cường độ cao cũng rất cần thiết cho việc tăng sức bền. Một bài tập luyện dễ với tôi có thể rất đa dạng, từ bài chạy đường bằng 30 phút với tốc độ 4:45/km, hoặc 2 giờ vừa chạy địa hình cực chậm vừa cập nhật tin tức qua podcasts. Dù gì đi nữa, những bài tập ấy cũng đều tính vào cường độ chạy bộ mỗi tuần của tôi, nhưng không làm tôi quá mệt mỏi trước buổi tập tiếp theo.

Jeffrey Campbell on course 2 edited

Anh đã dùng những chỉ số hay công cụ nào để đo lường các buổi tập của mình?

Tôi thường thiết kế bài tập của mình theo độ dài và mục tiêu về tốc độ. Huấn luyện viên sẽ theo dõi thông số chạy lưu trên đồng hồ của tôi, nhưng tôi sẽ không quá để tâm tới nó trong quá trình tập luyện. 

Anh có sử dụng chỉ số nào khác ngoài chạy bộ không, ví dụ như HRV (Biến thiên tần số tim), hoặc theo dõi giấc ngủ?

Tôi theo dõi cân nặng của mình sử dụng một cái cân thông minh nhỏ. Chỉ vậy thôi.

Việc có huấn luyện viên đã nâng cao khả năng chạy của anh như thế nào?

Tôi đã hợp tác cùng Andy Dubois của Mile27 được 5-6 năm rồi. Anh ấy luôn làm việc dựa theo khoa học và đã giúp tôi hiểu rất nhiều về quá trình tập luyện. Tới bây giờ, tôi có thể hiểu rõ loại bài tập nào mình cần, nhưng thật tốt khi có người cho mình những chỉ dẫn và nhận xét khách quan.

Anh có một thành tích cá nhân tốt nhất (PB) với thời gian 2:29:12. Anh cảm thấy tốc độ đó đã giúp anh như thế nào ở những cung đường siêu chạy bộ?

Khả năng chạy nhanh rất có ích cho những chặng đường bằng! Thành tích marathon của tôi không đáng kể so với các VĐV đường bằng chuyên nghiệp, nhưng nó thường cho tôi lợi thế tương đối trước các bạn chạy địa hình khác ở những đoạn bằng phẳng hơn và địa hình không phức tạp. Gần đây, chúng ta ngày càng thấy nhiều hơn những chân chạy đường bằng chuyên nghiệp thử sức ở chạy địa hình, và tôi nghĩ rằng trào lưu này sẽ còn tiếp tục.

Bạn có chia sẻ rằng chạy bộ là lúc bạn không suy nghĩ về điều gì khác nữa. Theo quan điểm này thì chạy bộ có ý nghĩa như thế nào với bạn? Và bên cạnh việc giữ gìn dáng vóc, chạy bộ còn mang lại điều gì cho bạn nữa?

Chạy bộ mang lại cho tôi tính tổ chức và một mục tiêu để hướng tới. Cần có tính kỷ luật và kỹ năng quản lý thời gian để bảo đảm hoàn thành tất cả các bài tập. Hầu như ngày nào tôi cũng phải sắp xếp cho hài hoà giữa công việc, gia đình và tập luyện. Nhưng vào ngày đua, tất cả những công việc khác đều phải nhường chỗ và không còn điều gì khác trong tâm trí tôi ngoài nhiệm vụ thi đấu.

Gần đây, anh đã có cơ hội được mặc áo cho đội tuyển Canada và đại diện cho đất nước mình tại World Mountain & Trail Running Championships (Giải Vô địch Chạy địa hình Thế giới). Điều đó có ý nghĩa như thế nào với anh?

Được chọn vào đội tuyển là một niềm vinh dự cực kỳ lớn và một bất ngờ đặc biệt đối với tôi. Khi tôi bắt đầu chạy vào 8 năm trước, tôi chưa bao giờ dám ước mơ rằng mình sẽ trở thành một VĐV của đội tuyển quốc gia thi đấu tại giải vô địch thế giới. Toàn bộ trải nghiệm đó rất tuyệt vời. Tôi chạy cự ly 40km Short Trail, và hoàn thành với thành tích VĐV Canada nhanh nhất và xếp thứ 33 chung cuộc. 

Jeffrey Campbell Canada Chiang Mai

Anh đã tham dự giải chạy VJM tháng 10 vừa qua và dành chiến thắng. Anh có suy nghĩ gì về giải chạy và anh có ý định trở lại tham dự một giải chạy khác của chuỗi giải chạy Vietnam Trail Series trong tương lai không?

VJM là lần đầu tiên tôi tham dự giải chạy tại Việt Nam, và không khí của giải chạy rất tuyệt vời. Tôi yêu sự nhiệt tình của tất cả đội ngũ nhân viên, các tình nguyện viên, và rằng cộng đồng người địa phương cũng tham gia vào việc tổ chức giải chạy. Chạy địa hình tại Việt Nam đang phát triển khá nhanh, nên thật thú vị khi được là một phần trong đó. Tôi chắc chắn sẽ trở lại.

Cuối cùng, anh đã đến thăm câu lạc bộ chạy của tổ chức Blue Dragon sau VJM. Anh đã được truyền cảm hứng bởi trải nghiệm đó – Anh có thể chia sẻ với đọc giả điều mà đã tạo cảm hứng cho anh được không?

Được đến thăm trụ sở của Tổ chức Blue Dragon tại Hà Nội sau giải chạy là một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi đã thấy nhiều bạn nhỏ của tổ chức này tham gia thi đấu tại VJM, nhưng không hề biết những câu chuyện của các em lại truyền cảm hứng đến vậy. Các em đã được truyền động lực để thúc đẩy bản thân và đạt được mục tiêu. Thể thao giúp cân bằng cuộc sống rất tốt, và tôi cho rằng điều này càng đúng hơn với chạy bộ. Tôi nghĩ Blue Dragon đang làm rất tốt việc gắn kết thể thao với những chương trình và sứ mệnh lớn hơn của họ. Lần sau đến Hà Nội, tôi sẽ cố gắng tham gia một trong những buổi tập hàng tuần với bọn trẻ.

Đọc thêm bài phỏng vấn khác của Nhà vô địch VJM: Nguyễn Thùy Dung, nhà vô địch VJM và VMM