fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Hỏi-Đáp với Emma Pooley

Hỏi-Đáp với Emma Pooley

Vô địch Thế giới hai môn phối hợp, Vô địch Thế giới môn đua xe đạp và gần đây nhất, chiến thắng giải 100k UTMR với thành tích vượt qua cả các VĐV nam để giành giải nhất chung cuộc, tình đầu của Emma Pooley vốn thuộc về môn chạy bộ và trong bài viết này, cô sẽ chia sẻ với chúng ta về tình yêu đó, cô đến với chạy bộ ra sao, nó có ý nghĩa đặc biệt như thế nào và đôi điều về chuyến đi của cô tới Việt Nam cùng nhiều chia sẻ khác.

Chúng tôi biết hiện nay bạn dành tình yêu cho đạp xe mạo hiểm, nhưng đam mê ban đầu của bạn lại là môn chạy bộ. Bạn có thể chia sẻ mình đến với chạy bộ như thế nào và một chút về nền tảng chạy bộ lúc đầu của mình không?

Khi còn nhỏ, tôi muốn chạy bộ vì cha tôi sáng nào cũng chạy. Tôi nghĩ cha chính là hình mẫu, thậm chí là người hùng của tôi; tới tận bây giờ, tôi vẫn coi cha là một chân chạy nhanh dù cho cha khăng khăng mình đã không còn thi thố gì nữa từ sau những giải chạy băng đồng hồi trung học những năm 60 (thực ra, hiện cha đang hoàn toàn nghỉ chạy vì đau đầu gối.)

Mỗi lần được cha cho đi theo, tôi vui lắm và phải cố theo kịp cha trong những buổi chạy sáng 25 phút đó! Tôi đến với chạy bộ như vậy đấy, và nó đã trở thành tình yêu đầu tiên của tôi – trong suốt những năm từ 13 đến 19 tuổi, mỗi sáng, tôi đều đặn rời nhà từ sớm, như một cái máy (hoặc một thứ tôn giáo vậy!). Tôi gần như luôn chạy một mình, việc ở một mình và thời gian dành cho chính mình rất quan trọng khi chạy. Tôi có tham gia một câu lạc bộ chạy nhưng đối với tôi, việc đào tạo và thi đấu ít quan trọng hơn so với việc duy trì thói quen chạy hàng ngày của mình.

Dù vậy, thi đấu vẫn chiếm một phần tình yêu chạy bộ trong tôi – thực ra, lần đầu tôi được nếm trải hương vị “thành công” trong thể thao (khi đó vẫn còn là một tay mơ) là chiến thắng giải chạy băng đồng đầu tiên tôi tham dự: Giải vô địch cho lứa tuổi dưới 15 của tỉnh. Tôi phải thừa nhận cảm giác đó thật tuyệt vời, và tôi đã muốn mình phải chạy càng tốt hơn nữa. Tôi tham gia chạy đua cho trường, cho tỉnh, và tiếp đó, cho Đại học Cambridge…nhưng luôn luôn với sự nhiệt tình hơn là tài năng. Tôi thích đồi cao, bùn lầy, hay những thử thách ngốc nghếch hơn là chạy tốc độ, và tôi cũng chưa bao giờ thích chạy đua cự ly ngắn.

 

Bạn đã chuyển từ chạy bộ sang đạp xe bất đắc dĩ, và trở thành nhà vô địch thế giới môn đua xe đạp ra sao?

Tôi bắt đầu đạp xe đường trường khi đã 20 tuổi, như một cách huấn luyện chéo khi không thể chạy bộ trong 6 tuần vì bị rạn xương chân. Chấn thương khi đó có thể do tôi quá hăng hái chạy, hoặc cũng có thể do ăn uống không đủ chất – tôi bổ sung quá ít chất đạm và can-xi.

Lúc đầu tôi không hề thích đạp xe: xe đạp đi mượn nên không phù hợp, yên xe cực kỳ không thoải mái, cùng bộ đồ tập và đôi giày rẻ tiền mà cô sinh viên khi ấy đủ sức chi trả.

Đạp xe một mình buổi sáng chẳng hề thú vị như lúc chạy bộ, may mắn là câu lạc bộ đạp xe tôi tham gia đã mang lại niềm vui mới: sự đồng hành tuyệt vời! Nhờ có Câu lạc bộ Đạp xe của Cambridge, tôi biết tới đạp xe theo nhóm, xử lý những sự cố cơ bản trên đường, đạp nhanh vừa phải để vẫn có thể tán gẫu, và ăn ngấu nghiến những chiếc bánh ngọt ở điểm nghỉ chân.

Tôi cũng học được cách đạp xe hết sức mình: những buổi đạp xe chaingang hàng tuần (đạp xe theo hàng một và các thành viên thay nhau ở vị trí đẫn đầu) thật sự đáng nhớ, tới giờ tôi vẫn tự hào về lần đầu tiên mình hoàn thành vòng tập mà không cần các bạn khác đẩy giúp!

Một người bạn trong CLB thuyết phục tôi tham gia giải đua đường trường đầu tiên, và từ đó tới chức vô địch thế giới quả thực là hành trình rất dài (và rất lâu), nhưng chính cô ấy đã gieo mầm hạt giống ấy trong tôi. Huấn luyện viên đầu tiên của tôi, anh Tim Williams tuyệt vời, cũng là thành viên của CLB. Anh đóng vai trò mấu chốt trong việc giúp tôi lên được đẳng cấp thế giới: anh hướng dẫn tôi tập luyện và chỉ dạy tôi các kĩ năng đổ dốc tôi vốn rất kém.

Trong phần lớn sự nghiệp đạp xe chuyên nghiệp của mình, tôi làm việc toàn hoặc bán thời gian với vai trò một nhà nghiên cứu tại Đại học ETH Zürich. Tôi đã rất may mắn vì người hướng dẫn của tôi, Tiến sĩ Sarah Springman tuyệt vời, đã ủng hộ và giúp tôi có thể cân bằng công việc và đạp xe.

Nói một cách ngắn gọn, tôi cho rằng hành trình tới chiếc áo cầu vồng của mình đa phần là nhờ may mắn: ở đúng nơi vào đúng thời điểm (và chấn thương lúc đầu tiên đó nữa). Thêm vào đó là quyết tâm nắm bắt cơ hội của tôi. Thêm nữa là sự động viên của những con người tuyệt vời như Tim, Sarah, và các thành viên trong đội của tôi tại Thụy Sĩ năm 2007 – khi tôi lần đầu nhận được hỗ trợ và cơ hội để giành được kết quả.

Emma chụp hình cùng Giám đốc Thể thao David và Ashley Carruthers tại Hội An sau chuyến đạp xe Việt Nam – Lào – Việt Nam của cô 

Bản chất là một người chạy bộ, những danh hiệu vô địch thế giới hai môn phối hợp, theo một cách nào đó, có ý nghĩa hơn với bạn so với chức vô địch thế giới môn đua xe đạp không? 

Câu hỏi sâu sắc quá! Có chứ, theo một cách nào đó…chiến thắng đầu tiên của tôi tại Zofingen có được nhờ phần chạy thứ hai rất tốt, và tôi rất vui vì nhiều năm luyện tập đạp xe chăm chỉ (và chỉ được chạy bộ trong thời gian nghỉ ngơi) lại khiến tôi chạy nhanh hơn cả trước đây. Chắc hẳn những phần tập sức bền triền miên đã phát huy hiệu quả!

Và bởi thực chất tôi sẽ luôn là một người chạy bộ, nên điều đó rất quan trọng với tôi. Mặt khác, đua xe đạp chuyên nghiệp lại có cái gì đó sâu sắc hơn, cạnh tranh hơn so với hai môn phối hợp đường dài. Vì vậy nên danh hiệu vô địch nội dung đua tính giờ có phần khó đạt được hơn!

 

Gần đây có vẻ như bạn đang tránh tập trên đường nhựa, dù là chạy bộ, đạp xe hay tập trên núi. Bạn thích điều gì ở những con đường mòn và việc đi lên những con đường đó?

Đơn giản là tôi thích được hòa mình giữa núi rừng và thiên nhiên. Vẻ đẹp của thiên nhiên quanh ta thật sự rất ấn tượng. Chỉ cần ở giữa những nơi tươi đẹp đó đã đủ khiến tôi thấy hạnh phúc. Thi thoảng sẽ có những con đường đẹp vào vùng núi, nhưng đa phần đều có xe cộ qua lại, và chúng khá ồn ào khiến tôi thấy rất khó chịu. Đường mòn trở nên hấp dẫn là vì thế. Thêm nữa, tôi thích cảm giác mình đang khám phá, dù rằng hiển nhiên, tôi không đạp xe tới nơi nào “mới” cả. Nhưng đôi khi tôi chỉ đưa chân lang thang, đạp xe hoặc chạy bộ, với sự hỗ trợ của Komoot (Ứng dụng bản đồ leo núi, đi xe đạp) và bản đồ cùng các biển chỉ đường, tôi có thể tìm được đường mà không phải đi vòng quanh đường nhựa, và tôi thật sự thích thế!

Emma hạnh phúc chạy giữa thiên nhiên

Ngoài việc duy trì sức khỏe, dáng vóc, bạn nghĩ đạp xe đường trường và chạy bộ đường núi còn mang lại lợi ích gì khác nữa? 

Đối với tôi, những môn thể thao này còn mang lại lợi ích tinh thần nữa. Tôi thấy tĩnh tâm khi chạy bộ hoặc đạp xe trong nhiều giờ, thường là một mình. Thực ra, lúc chạy hay đạp ngắn hơn tôi cũng vẫn thấy vậy! Điều gì đó về sự giản đơn trong chuyển động và kết quả của nó giúp tôi thư giãn đầu óc và cảm thấy thư thái. Cảnh đẹp xung quanh cũng rất hữu ích! Thử thách về thể chất khiến tôi hạnh phúc, vì cảm giác thúc đẩy bản thân vượt qua những giới hạn của chính mình thực sự rất thành tựu (có lẽ không nên ngày nào cũng như vậy, sẽ mệt mỏi lắm!)

 

Gần đây bạn đã gửi tặng rất nhiều đồ dùng chạy bộ cho CLB Chạy Blue Dragon và còn hứa khi trở lại, sẽ chạy cùng các bạn ấy. Ngoài một giải chạy trail (mong là thế), bạn định sẽ tạo bài tập trong phố như thế nào cho các em? Một bài tập ngắt quãng yêu thích của bạn chăng?

Ồ, câu này khó đây! Tôi còn không chắc là mình có thể theo kịp các em nhỏ của Blue Dragon hay không nữa, vì các em ấy nhìn có vẻ rất nhanh, thêm nữa gần đây tôi lại đang tập nhiều về sức bền. Khả năng cao là tôi sẽ đề xuất một buổi chạy xa kiểu fartlek (chạy liên tục và đa dạng trong tốc độ), ví dụ như 40 phút chạy trong đó 1 phút chạy nhanh xen với 1 phút chạy chậm hơn. Hình thức tập “nhanh-chậm” đó là bài tập khó yêu thích của tôi. Thêm vào đó, tôi sẽ có cơ hội để theo kịp các bạn trẻ trong những phút “chậm hơn” đó!

 

Bạn từng tới Việt Nam để đạp xe, nhưng đã tranh thủ chạy bộ trong chuyến đi ấy. Bạn thích điều gì trong trải nghiệm của mình ở đất nước này và điều gì khiến bạn muốn quay trở lại? 

Tôi thích tất cả mọi thứ về chuyến đạp xe của mình! Kể cả cái ngày nóng bụi triền miên trên con đường gập ghềnh sỏi đá (một trong những buổi đạp xe tự do khắc nghiệt nhất của tôi) cũng rất vui, theo kiểu nhớ lại mới thấy thực ra lúc đó mình rất vui.

Nói một cách cụ thể, thật tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng những khung cảnh tuyệt đẹp và khác biệt với những gì tôi từng thấy trước đó, những địa hình đôi khi đầy thử thách và rất xứng đáng được khám phá. Đáng nhớ hơn cả chính là những con người cực kì hiếu khách, đồ ăn ngon và hướng dẫn viên của chúng tôi (anh Ash Carruthers) đã chỉ cho chúng tôi nhiều nét văn hóa bản địa rất thú vị mà nếu không có anh, tôi đã chẳng thể nào biết được.

Emma trong chuyến đạp xe Việt Nam – Lào – Việt Nam huyền thoại, sau ngày đạp được cô miêu tả là một trong những ngày thử thách nhất trong đời cô!

Khi bạn trở lại Việt Nam, chúng tôi rất mong sẽ được chào đón bạn tại vạch xuất phát của một cuộc đua Vietnam Trail Series. Bạn nghĩ mình sẽ chọn cự ly nào và tại sao?

Có quá nhiều cảnh đẹp và cự ly để tôi chọn! Tôi mới hoàn thành cự ly 100km đầu tiên của mình (tại UTMR) và rất thích trải nghiệm đó, tôi muốn chạy lại cự ly này. Thực tế là lựa chọn cự ly nào còn phụ thuộc vào thời gian của chuyến đi, và liệu tôi có đủ thời gian để bồi đắp sức bền cho cự ly đó hay không nữa. 55km hoặc 70km có lẽ là những lựa chọn khả thi hơn. Tôi còn nghe về VMM Nậm Cang với cung chạy trên sườn núi ở độ cao 2,300m, có vẻ như đó sẽ là một trải nghiệm rất khác lạ và tôi có thể sẽ chọn cự ly 52km của giải chạy này.

 

Bạn tự nhận mình là người nghiện cà phê. Bạn đã thưởng thức rất nhiều cà phê khi thăm Việt Nam – bạn thích uống cà phê Việt được pha chế ra sao (ví dụ như có đá, hay thêm sữa đặc)? Bạn có thấy mối liên kết nào giữa cafêin và thành tích của mình không?

Tôi phải thú nhận là mình rất thích thêm sữa đặc trong cà phê nóng của Việt Nam – thường thì tôi không uống đường đâu! Khi trước tôi không thích cà phê đen, nhưng giờ thì khác; vậy nên khi trở lại Việt Nam, tôi muốn thử uống cà phê đen nguyên chất.

Về thành tích, nếu không uống vài cốc cà phê và/hoặc trà trong ngày, tôi sẽ thấy hơi tệ, vì đã quen uống chúng rồi. Dù vậy, tôi không chắc tác dụng của cà phê đến từ cafêin hay cái cảm giác hạnh phúc vì nó rất ngon!

Đọc thêm những bài phỏng vấn các VĐV khác của chúng tôi tại đây.