fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Charmaine Thompson – Nhà vô địch đa tài

Charmaine Thompson – Nhà vô địch đa tài

Nhà cựu vô địch Judo quốc gia của Úc, vô địch VMM19 100km, bắt đầu chạy địa hình cự ly siêu marathon từ năm 2017 sau khi hoàn thành 96km của The Kokoda Track. Trong bài phỏng vấn này, chị chia sẻ về tình yêu dành cho các hoạt động ngoài trời, câu chuyện thể thao, quá trình luyện tập, thi đấu của mình và nhiều nội dung thú vị khác.

Chị có thể chia sẻ về nền tảng thể thao của mình? Điều gì đã đưa chị đến với chạy bộ và chị đã bắt đầu chạy bộ từ khi nào?

Tôi lớn lên trong một gia đình có bốn cô con gái với cha mẹ luôn đánh giá cao hoạt động thể thao và luôn khuyến khích chúng tôi tham gia nhiều môn thể thao khác nhau. Tôi “phải lòng” judo từ năm 10 tuổi và năm 21 tuổi, tôi giành chức vô địch Quốc gia Úc ở hạng cân của mình. Tôi dành cả tuổi trẻ chạy bộ khắp đất nước và đã khá thành công ở giải của bang. Tới tận năm 2011 (khi 38 tuổi), tôi mới chạy cự ly full marathon (42km) đầu tiên. Giờ tôi thích chạy cự ly dài để thử thách thể lực và tâm trí của mình. Tôi chạy cự ly 50km địa hình đầu tiên năm 2017, năm sau đó tôi chạy 100km và thật bất ngờ, tôi giành hạng nhì với thành tích 12:10:09. Tôi đã nghiện chạy như vậy đó.

 

Chị đã giành chức vô địch cự ly VMM 100km. Chúng tôi được biết lúc đầu chị không hề sử dụng gậy chạy, nhưng sau đó chị đã dùng gậy tre – chị có thể chia sẻ thêm về câu chuyện này được không?

Lúc tôi chạy qua mấy bản làng gần núi Fansipan, một cô gái rất thân thiện chạy cự ly 70km đã bày tỏ lo lắng về việc tôi chạy mà không có gậy. Cô ấy cảnh báo tôi về chặng leo trước mắt và khăng khăng rằng tôi cần tìm mấy chiếc gậy tre. Bất chấp việc lúc đó đang dẫn vị trí thứ 2, cô ấy cho tôi mượn một chiếc gậy của mình và hướng dẫn tôi sử dụng chúng, bởi tôi chưa chạy với gậy bao giờ. Lúc chạy địa hình ở Úc, tôi không cần tới gậy nên đã bất cẩn quyết định không mượn gậy của bạn để mang theo. Cô gái tốt bụng ấy nhanh mắt thấy nhiều thứ có thể dùng làm gậy trên đường chạy và cuối cùng chúng tôi cũng chọn được một chiếc thích hợp. Tôi chúc cô ấy chạy tốt và gửi lại gậy chạy khi cô ấy tiếp tục cuộc đua của mình. Sau đó, tôi tìm được chiếc gậy tre thứ hai và sẽ mãi biết ơn cô ấy vì đã kiên quyết muốn tôi dùng gậy. Chúng là tài sản quý giá nhất giúp hỗ trợ cái chân bị thương của tôi khi đổ dốc và đóng vai trò quan trọng trong việc tôi có thể hoàn thành cuộc đua.

 

Chị nghĩ sao về cung đường chạy cự ly VMM 100km?

Cung đường chính là thứ đầu tiên thu hút tôi tới sự kiện này và nó còn vượt xa cả mong đợi của tôi. Tôi thích sự đa dạng địa hình và rất mong chờ đối mặt với những đoạn vượt suối và leo núi. Tôi rất ấn tượng với việc đường chạy được đánh dấu cực kì tốt, tôi nhớ trong buổi tóm tắt đường chạy David (Giám đốc Giải) có nói đừng chạy tiếp quá xa nếu bạn không nhìn thấy đánh dấu đường. Đêm đó, tôi đã gặp tình huống này, tôi chạy ngược trở lại ngay và nhận ra mình đã bỏ lỡ khúc rẽ chỗ sườn đồi. Cơn mưa cũng làm tăng độ khó của đường chạy. Tôi chưa từng chạy cung đường địa hình yêu cầu nhiều kĩ thuật với phần leo lên dường như vô tận đến thế. Mỗi góc rẽ lại là một đoạn leo lên trơn trượt hoặc chạy qua một bản làng nào đó của vùng đất Sapa xinh đẹp.

 

Chị có nhớ đoạn đường mình thích nhất không?

Ôi, cả cung đường chạy là chuỗi những phần đường tôi thích. Chạy trên chiếc cầu đung đưa, chạy qua những thửa ruộng bậc thang, chạy qua bản làng và vẫy tay chào những người dân bên đường. Tôi hơi run khi băng qua những đoạn nước siết dọc dòng Nậm Cang và rất cảm ơn sự hỗ trợ của các bạn nhân viên đường chạy. Có lần tôi và mấy bạn chạy còn phải xua mấy chú trâu ra khỏi đường đi để chúng tôi có thể chạy tiếp. Leo tới đỉnh cao nhất của cung đường chạy với độ cao 2,300m là thử thách lớn nhất nhưng cũng thật nhẹ nhõm khi đã tới đỉnh, cảm giác được ngồi nghỉ giữa mây trời thật siêu thực. Trên tất cả, tôi sẽ không bao giờ quên con người nơi đây. Những bạn chạy, các tình nguyện viên, nhân viên đường chạy và người dân Sapa đã luôn khích lệ tôi, tôi cũng đã kết bạn với nhiều người trên đường chạy.

 

Tại CP3 chị có nói mình bị ngã 2 lần trên đường chạy và không thể gập được đầu gối. Chị làm thế nào vượt qua khó khăn đó vậy?

Bị ngã đúng là điều không may nhất và nó cũng khiến tôi bị đau không ít. Sau 30km, chân tôi bắt đầu căng cứng và khi chạy tiếp, tôi nhận ra đầu gối mình dần không cử động nữa. Do đó việc chạy lên xuống những đoạn đường đất nhũn trở nên cực kỳ khó khăn. Tuy vậy, tôi đã mong chờ được chạy ở Việt Nam và luyện tập chăm chỉ để tới đây, tôi không thể dừng chân được. Tôi không tham dự sự kiện với mong muốn giành chiến thắng, nhưng từ lúc David nói rằng tôi đang dẫn dầu, tôi quyết định sẽ không dễ dàng chùn bước. Tôi biết mình có gia đình và bạn bè đang dõi theo mình qua thiết bị GPS và tôi có thể cảm nhận năng lượng của họ đang thúc đẩy mình tiến bước, bảo vệ vị trí dẫn đầu. Khi gần tới đích, tôi càng quyết tâm không bỏ cuộc. Sau khi về nhà, phim chụp cho thấy tôi đã bị nhiều vết rách lớn tại ba chỗ của cơ đùi.

 

Nói thêm một chút, chị nghĩ sao về vai trò của các thiết bị bổ trợ chạy bộ đối với thành tích của một vận động viên?

Trang bị đầy đủ khi chạy bộ sẽ khiến việc chạy thuận lợi hơn nhiều. Việc nhận thức được điều kiện đường chạy để mang đồ chạy phù hợp là rất quan trọng. Tôi nghĩ mình đã chạy địa hình nhiều rồi, nhưng lại chưa từng trải nghiệm kiểu địa hình cần nhiều kĩ thuật như vùng núi Sapa. Tôi đảm bảo giày chạy của mình là loại dành cho chạy địa hình và túi đeo được trang bị chu đáo. Không cần phải nói, sau Lễ Trao giải, tôi đã sắm mấy chiếc gậy Salomon ở gian hàng của họ. Kinh nghiệm lần này sẽ giúp tôi chuẩn bị tốt hơn cho các sự kiện sau; và có lẽ, nếu mang theo gậy chạy từ đầu, tôi đã không bị trượt ngã.

 

Trong quá trình luyện tập cho cự ly siêu marathon, một tuần luyện tập điển hình của bạn cụ thể ra sao?

Chủ nhật – các buổi chạy dài lên tới 52km

Thứ Hai – chạy phục hồi 10km

Thứ Ba – chạy nhanh với các nhóm chặng từ 100m tới 800m

Thứ Tư – chạy dài giữa tuần từ 14km tới 22km

Thứ Năm – chạy 5km với các bạn trong Gladstone Road Runners Group. Đó thường là buổi chạy nhanh trên đường nhựa.

Thứ Sáu – ngày nghỉ

Thứ Bảy – 10km tới 14km

Tôi cũng bổ trợ cho việc chạy bằng việc tập yoga – 3 buổi một tuần hoặc thường xuyên hơn nếu có thời gian ngoài việc huấn luyện judo, tập thể lực như squat, gập bụng và chùng chân (lunge).

 

Chị có bài tập tốc độ hay kiểu bài luyện tập ưa thích nào không?

Thật ra tôi không thích các bài tập tăng tốc bởi tôi thấy chạy nhanh trong những khoảng thời gian ngắn rất khó, dù biết rằng nó rất có ích cho việc luyện tập. Để vượt qua điều này, tôi hoàn thành các buổi tập tăng tốc với nhóm chạy của mình. Tôi thích chạy dài với bạn bè hơn. Tôi luôn thích các cuộc chạy địa hình phải bao gồm những phần đồi núi. Tôi không chạy lên nhanh nhưng thích thử thách với việc leo lên núi.

 

Ai là người có ảnh hưởng hay là nguồn cảm hứng lớn nhất đối với chị?

Có rất nhiều VĐV chạy bộ địa hình tuyệt vời luôn truyền cảm hứng cho người khác. Tôi đã đọc nhiều sách của Dean Karnazes, anh viết về những thành tựu chạy bộ tuyệt vời và khả năng chịu đựng đáng ngạc nhiên của mình. Anh kể rất thật về những khó khăn và những đau đớn anh trải qua khi chạy trong nhiều ngày liền, và tôi thường tự hỏi liệu mình có thể kiên trì tới đâu. Tuy vậy, những người có ảnh hưởng nhiều nhất tới tôi chính là những người bạn của tôi. Judy, người bạn sống cùng nhà những năm đại học, có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất. Lúc sống cùng tôi, cô ấy là một bà mẹ đơn thân và đang ở đỉnh cao của việc luyện chạy marathon. Tôi đã rất ngạc nhiên với chiếc xe đẩy của cô và cả việc cô ấy tiếp tục luyện tập khi đẩy xe đưa con trai đi chơi. Cô là một trong những người phụ nữ mạnh mẽ nhất mà tôi biết, khi tôi xây dựng gia đình riêng, tôi cũng sắm một chiếc xe đẩy và đẩy cả 3 bé nhà tôi quanh khắp các con phố của Gladstone.

 

Được biết, chị có nhiều kính nghiệm chạy đường bằng (road) và đang quản lý một nhóm chạy bộ đường bằng nữa – ban đầu, điều gì đã đưa chị đến với chạy địa hình thế?

Tôi bắt đầu chạy địa hình khi đang học đại học, sự cám dỗ của việc trải nghiệm vẻ đẹp thiên nhiên nơi rừng mưa và cây bụi Úc khiến tôi có cảm giác thư thái như đang ở nhà. Không chỉ khiến cơ thể thoải mái hơn, chạy giữa thiên nhiên cũng hấp dẫn hơn việc chạy trong phố. Năm 2013, tôi đặt ra mục tiêu hoàn thành Kokoda Trail (Đường mòn Kokoda). Kokoda Track hay Kokoda Trail là đường mòn nhỏ dài 96km (60 dặm) qua Dãy Owen Standley ở phía đông Papua New Guinea. Đường mòn là nơi diễn ra cuộc chiến giữa quân Nhật và quân Đồng minh (chủ yếu là người Úc) năm 1942 trong Thế chiến II – lúc đó là lãnh thổ Papua thuộc Úc. Tôi đã hoàn thành cuộc hành hương với người bạn tốt của mình – người đã khơi dậy tình yêu chạy địa hình trong tôi từ thời đại học – cùng với chồng và con trai cô ấy nữa. Điều tuyệt vời của việc chạy địa hình chính là nơi đường chạy đưa bạn tới – tôi yêu cái thực tế rằng nó có thể trở thành trải nghiệm độc đáo mà không phải ai cũng làm được. Và tôi cũng không ngại lấm bẩn hay dính bùn trong lúc chạy.

 

Cuối cùng, lúc ở vạch đích, chị đã nói với Giám đốc giải David rằng “Tôi ghét cậu lắm”…. chị còn ghét anh ấy không?

David là một nhà tổ chức và một giám đốc giải tuyệt vời, tôi cũng rất vui được gặp cậu ấy tại các điểm tiếp sức trên đường chạy. Thật vui khi có ai đó để nói đùa cùng và David lại hiểu sự hài hước kiểu Úc của tôi. Cậu ấy luôn khích lệ tôi. Tôi thực sự rất yêu sự kiện này, ngay ngày hôm sau tôi đã lên kế hoạch trở lại tham dự nó. Tôi tự hào khi giành chức quán quân nữ và vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng tổng, nhưng tôi cũng muốn cải thiện thành tích của mình tại cự ly này. Vậy nên tôi đã nói với David rằng mình sẽ trở lại để tiếp tục có những trải nghiệm tuyệt vời nơi núi rừng này.

RD David Lloyd and Charmaine at the VMM finish line

Tôi không mong gì hơn từ cậu ấy và rằng khi tôi về đích tại Topas Ecolodge lần nữa, tôi hi vọng sẽ thấy cậu ấy ở vạch đích chúc mừng và mời tôi một chầu bia!