fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Phỏng vấn với Cao Ngọc Hà

Phỏng vấn với Cao Ngọc Hà

Á quân VMM 100km và là đại sứ tuyệt vời cho sự kiện thể thao của chúng tôi

Từ khi nào bạn bắt đầu chạy đường dài và nền tảng thể thao của bạn là gì?

Trước khi bắt đầu chạy đường dài, tôi là một người khá bình thường: mỗi năm chạy khoảng 2 đợt, bắt đầu từ 2km tăng lên 10km rồi nghỉ hẳn 3-4 tháng sau đó lại bắt đầu lại từ đầu 2km-3km. Vì lúc đó tôi chạy một mình, không mục đích cụ thể và chạy cũng khá nhàm chán.

Xa xưa hơn thì cấp ba tôi có chạy trong đội tuyển thể thao của trường, cự ly từ 1500m-5000m, tôi cũng đã từng giành giải nhất, nhì khi tham gia giải chạy ở tỉnh.

Quãng đường dài nhất mà bạn đã từng chạy trước cuộc thi VMM 100km là bao nhiêu?

174km trong 24h, đấy là khi tôi chạy trong một event Thử thách 24h vào ngày 30/04/2014.

Bạn cảm thấy thế nào sau khi vượt qua vạch đích?

Sung sướng và thoải mái trong tinh thần vì mình có thể nghỉ ngơi mà không lo có ai vượt qua mình.

Bạn thích đường bộ hơn hay đường mòn hơn? Tại sao?

Tôi cảm thấy bản thân mình thích chạy đường mòn hơn. Vì phong cảnh rất đa dạng, không nhàm chán như đường bộ, ngoài ra tôi cảm giác chạy đường mòn đỡ bị đau, chấn thương hơn là chạy đường bộ.

Kế hoạch dinh dưỡng của bạn để chạy 100km là gì?

Thường đơn giản là ăn càng nhiều càng tốt: 2h trước khi xuất phát tôi có ăn cơm/mì, 5’ trước giờ xuất phát tôi dùng 1 gel, sau đó cứ 20’ tôi dùng ½ gel, uống nước ngay khi khát, uống nước cùng với ăn gel. Tôi cũng rất thích coca nên nếu ở trạm hỗ trợ có tôi cũng sẽ uống thay nước. Đến đoạn cuối của cuộc đua, nếu không tốn nhiều thời gian tôi sẽ ăn mì, súp hoặc khoai sắn, nếu tốn nhiều thời gian tôi sẽ không ăn.

Bạn đã chạy với LDR – nó có gì giống với câu lạc bộ này? 

LDR là một group trên FB, tôi tham gia vào LDR ngay khi nó mới thành lập, cùng với  các runners khác, chúng tôi đã làm nhiều việc để duy trì và phát triển nhóm LDR. Ngược lại cũng nhờ LDR mà tôi duy trì việc chạy thường xuyên. Như đã nói ở trên, trước đấy tôi chỉ chạy đến khoảng 10km là dừng lại vì chán. Khi tham gia nhóm LDR tôi chạy, kết bạn cùng nhiều runners, nói chuyện nhiều hơn về chạy, hiểu biết của tôi về thế giới chạy được mở rộng. Nhóm LDR chúng tôi có buổi tập hàng tuần vào Chủ nhật luân phiên tại 2 địa điểm là Hồ Tây và Hồ Hoàn Kiếm.

Cũng có một nhóm khác mà nhờ họ tôi mới hứng thú chạy và tìm được các bạn bè trong nhóm LDR. Đó là nhóm Red River Runners. Tôi vẫn nhớ một buổi tập bài bản, nghiêm túc đầu tiên của tôi khi tôi bắt đầu chạy lại là buổi speed training vào tối thứ 4 của nhóm RRR. Nhóm RRR có event rất đều đặn vào tối thứ 4 và chiều thứ 7 hàng tuần. Tuy nhiên do đặc điểm công việc và khoảng cách địa lý nên tôi không tham gia chạy với họ.

Bạn thấy cộng đồng chạy đã phát triển ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây như thế nào?

Tôi thấy cộng đồng chạy phát triển rất nhanh, từ năm 2013 số người VN chạy HM, FM có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng sau 03 năm hiện nay có lẽ chỉ có cự ly 100km là có thể đếm trên đầu ngón tay được thôi.

Ngoài ra, cộng đồng chạy phát triển khá lành mạnh về tinh thần và mục tiêu chạy, đa phần hướng đến mục tiêu sức khỏe, cân bằng cuộc sống, công việc. Khá nhiều người sau nhiều năm chỉ tập trung vào làm việc, sức khỏe đi xuống rất nhiều thì chạy giúp họ phục hồi sức khỏe, giải tỏa căng thẳng trong công việc, qua đó họ cũng làm gương rồi thu hút các thành viên khác trong gia đình tham gia chạy, tập thể thao hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, năng động và cân bằng hơn.

Có lời khuyên nào cho những người đang cân nhắc VMM 100km lần đầu tiên không?

Tôi thấy nên suy nghĩ nghiêm túc về câu hỏi: “ Liệu tôi có thể sắp xếp thời gian ra để tập luyện tối thiếu là 7h chạy/tuần không?” Nếu “có” thì hãy đăng ký. Nếu “không” thì không nên đăng ký, có thể họ sẽ vẫn hoàn thành cuộc đua nhưng lúc đấy VMM 100km sẽ đầy mệt nhọc, khó chịu và rất ít thú vị.

Nếu họ quyết định tham gia, tôi nghĩ họ nên chọn chiến thuật “đi bộ khi lên dốc, chạy khi xuống dốc và ở đường bằng”. Ngoài ra một đôi gậy tốt sẽ cực kỳ hữu dụng.

Một tuần điển hình tập luyện của bạn khi chuẩn bị cho một cuộc đua là gì?

Trên đây là lịch tôi đang tập cho chạy 21km trong Ironman Đà Nẵng, 70km ở Tam Đảo, và 100km ở VMM. Về tổng thể tôi tập 14-18h một tuần: nghỉ hoàn toàn vào thứ 2, easy days vào thứ 4 và thứ 6; thứ 3, 5, 7, Chủ nhật là hard days.

Các bài tập của tôi gồm có:

Ultra: chạy với đủ các vật dụng như khi chạy ultra, thời gian chạy khoảng 2h (trong tuần) và 4-5h vào T7, Chủ nhật. Thứ 7 (2 tuần 1 lần) tôi sẽ có 01 buổi chạy trail với bạn bè mình. Hàng tháng tôi sẽ có 1 buổi chạy 10h vào Chủ nhật.

Incline 14-20%: chạy trên máy chạy bộ với độ dốc từ 14-20%, thời gian tập mong muốn là 1h, tuy nhiên hiện nay do mới bắt đầu tập với độ dốc này nên tôi mới chạy được 20’ và chạy hàng ngày mỗi lần 5-10’ vào buổi tối để cơ thể quen.

Streng 10’: tập bài sức mạnh với tạ vào hard days: Dead lift, Heel raise, Squat. Tôi áp dụng phương pháp Super slow có biến đổi một chút: dùng tạ nặng để chỉ tập 1 set cho 1 bài đến khi failure. Nhưng tôi vẫn tập 03 buổi một tuần, Super slow gốc thường tập 1 buổi / 1 tuấn.

Cycling: đạp xe khoảng 7.5h / tuần vào hard days, tôi đạp xe đi làm với thời gian mỗi chiều đi/về là khoảng 1h15h. Nó giúp tôi tăng tập thêm phần cơ đùi mà không tăng nguy cơ chấn thương. Đồng thời tôi cũng cần tập đạp xe cho kế hoạch Ironman năm 2018.

Ironman: vào thứ 5 hàng tuần tôi có 1 buổi tập Inteval hoặc Tempo cho giải Ironman Đà nẵng 2017. Tôi tập vào giữa trưa để quen với không khí nóng (nếu có) ở Đà Nẵng vào tháng 05.

Heat training: tôi tập để quen với việc chạy trong môi trường nóng bằng cách chạy Inteval/Tempo vào trưa thứ 5, ngoài ra bài tập chạy trail và chạy 10h cũng là một cách heat training vì kiểu gì cũng sẽ có khoảng 2h chạy trong điều kiện nhiệt độ cao.

Swimming: tối T7 tôi đi bơi nhẹ nhàng với gia đình để recover.