fbpx
You are here: Vietnam Trail Series » Nỗ lực nhanh chóng đến chiến thắng vẻ vang

Nỗ lực nhanh chóng đến chiến thắng vẻ vang

Nhà vô địch đường trường Evelyn Lek thường chạy từ 5 đến 10km nhiều năm về trước nhưng sau đó cô đã dừng chạy hoàn toàn trong vòng 5 năm cho đến 2014. Từ đó đến nay cô đã hoàn thành rất nhiều cự ly bán marathon, marathon và một vài cuộc chạy đường bằng (road) cự ly dài. Năm 2016, cô đã hoàn thành 120km chạy địa hình trong 3 ngày. Tuy nhiên, đến năm 2018, “sự nghiệp” chạy bộ đường trường của Evelyn mới bắt đầu “thăng hoa” với chiến thắng ở cự ly 100km tại TMMT và sau đó là VMM 100km tháng 9 vừa qua.

 

1. Một lần nữa xin chúc mừng chị đã trở thành nhà vô địch VMM năm nay! Mọi thứ có diễn ra thuận lợi trong suốt cuộc đua? Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi bước qua vạch đích VMM?

Tôi cảm thấy khỏe và rất hào hứng tại vạch xuất phát. Mục tiêu của tôi là chạy an toàn, tận hưởng đường chạy, cố gắng hết sức mình và về đích một cách mạnh mẽ. Tôi đã không kỳ vọng sẽ giành được chiến thắng bởi có rất nhiều đối thủ lớn tại cuộc đua này. Tôi cũng không muốn tạo áp lực cho bản thân và vì thế tôi đã duy trì tốc độ (pace) ổn định, không ép mình quá sức trong 30km đầu bởi đây là cung đường có độ dốc cao đầu tiên của mình. Một vài đoạn rất trơn và tôi đã ngã khá nhiều lần. Tôi thực sự cảm kích vì những bạn chạy đã đỡ tôi dậy mỗi lần tôi ngã. Lúc đó tôi mới nhận ra da số các VĐV 100km đều mang theo gậy!

Đây là một trong những cung đường mòn cao nhất và khó khăn nhất tôi từng tham gia. Cung đường chạy kết hợp khá tốt giữa đường bằng và đường mòn. Tại km số 70, khi đồng hồ ghi nhận 15 giờ 15 phút, tôi bắt đầu băn khoăn liệu mình có thể hoàn thành được cuộc đua đúng giờ hay không? Tôi cảm thấy thực sự kiệt sức và tất cả những gì tôi có thể làm là tự động viên mình không bao giờ bỏ cuộc và tiếp tục tiến lên!

Tôi đã học hỏi và tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm trong cuộc đua này. Đây là một cuộc chiến tinh thần và tự thúc đẩy bản thân, nhất là từ km số 55 đến vạch đích. Đồng thời, tôi cũng đã được tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ của Sa Pa. Tôi thấy biết ơn và hạnh phúc khi băng qua vạch đích, tự nói với bản thân rằng mình đã hoàn thành rồi! Làm tốt lắm!

 

2. Theo chị, đâu là phần khó nhất trên cung đường chạy VMM?

Theo tôi phần khó nhất chính là đỉnh núi cao nhất, từ km55 đến km65 (từ CP2 tới CP3). Đó là một con dốc lên liên tục cho tới đỉnh. Đoạn dốc từ km95 (CP7) cũng là một thách thức thực sự. Tôi đã rất đói và mệt sau hàng loạt cuộc leo dốc. Đoạn xuống dốc ở cuối cung đường dẫn tới vạch đích có thể xem là một phần thưởng, giúp cải thiện đáng kể thành tích với việc tăng tốc khi xuống dốc.

 

3. Chị có áp dụng chiến lược gì cho ngày đua không? Nếu có, chị đã thực hiện nó như thế nào so với kế hoạch đặt ra?

Chiến lược của tôi là nắm rõ cung đường và lên kế hoạch tốc độ (pace) cho cả cuộc đua. Một kế hoạch nghỉ ngơi tốt cũng được tôi áp dụng. Tôi cố gắng không chạy chút nào trong hai ngày trước cuộc đua. Điều này đã giúp bản thân tôi chuẩn bị tốt và duy trì được năng lượng cho ngày quan trọng. Tôi cũng không áp dụng “carb load” (nạp carbonhydrate) trước ngày đua, điều này tùy thuộc vào thể trạng từng cá nhân. Tôi ăn như bình thường và không tuân theo chế độ ăn uống đặc biệt nào. Tôi chỉ ăn các thực phẩm mình thích và tôi cũng ăn vặt nữa.

Tôi sẽ không thử các loại thức ăn hay thực phẩm lạ trước ngày đua để tránh bị khó chịu trong thời gian đua.

 

4. Một tuần tập luyện điển hình của chị cho VMM như thế nào?

Tôi đã tập luyện khoảng một tháng rưỡi cho VMM. Tôi dành 2-3 buổi tập tăng sức mạnh cơ bắp vào các ngày trong tuần và các cuộc chạy cự ly dài tương tự nhau trong những ngày cuối tuần. Việc tập luyện hàng tuần luôn có sự kết hợp giữa đường bộ, địa hình và chạy dốc. Việc dưỡng sức một tuần trước cuộc đua cũng rất quan trọng.

 

5. Điều gì đã đưa chị đến với chạy bộ đường trường? Và chị có hâm mộ vận động viên chạy bền nào không?

Tôi thích đường mòn và luôn tận hưởng cảm giác khi chạy. Đó là sự kết hợp giữa những khoảnh khắc tuyệt vời, đẹp đẽ và vô âu vô lo. Cảm nhận cơn gió lướt nhẹ qua mặt, lắng nghe âm thanh của những chú chim và ngọn gió lùa qua những hàng cây. Và cả âm thanh từ những bước chân và hơi thở của chính mình.

Đơn giản là bước sau nối bước trước. Tất cả mọi phiền não và suy nghĩ đột nhiên biến mất, không chỉ về bản thân tôi mà dường như mọi thứ xung quanh đều như vậy. Khoảnh khắc cảm nhận tâm hồn và trí não của bạn, bàn tay và đôi chân như hòa làm một. Mọi thứ đang vận hành và diễn ra theo đúng nghĩa. Cuộc chạy càng dài càng cho phép tôi tiến sâu hơn về nơi chốn đó để khám phá bản thân, khám phá tâm trí và cả việc cơ thể mình thực sự có thể chạy bao xa! Điều này khiến tôi hạnh phúc và cảm thấy vui vẻ trong mỗi cuộc chạy dài.

Emelie Forsberd và Francois D’Haene là hai vận động viên chạy trail mà tôi ngưỡng mộ.

 

6. Làm thế nào để tập luyện cho chạy đồi và chạy địa hình tại Singapore?

Singapore là một đất nước nhỏ bé, tôi đã tập luyện ở Hồ MacRitchie và Đồi Bukit Timah. Công viên Mount Faber cũng có nhiều bậc thang và dốc cao nữa. Thỉnh thoảng tôi cũng theo một số runner khác đến Malaysia để tập luyện nhưng không thường xuyên lắm.

 

7. Nhóm chạy Brown Shoes Kakis của chị đã thực sự rất mạnh tại VMM năm nay. Chị có thể chia sẻ thêm về nhóm chạy của mình?

Tôi gặp David S tại Cultra Cameron Trail 2018 và được mời tham gia nhóm Brown Shoes Kaki. Đây quả thực là một nhóm chạy tuyệt vời, tất cả các thành viên đều thân thiện và luôn hỗ trợ hết mình.

Tôi đã rất vui và hào hứng khi nhận được bib tham dự VMM miễn phí bởi BSK cũng chuẩn bị tham gia VMM tại thời điểm đó! Trung đã sắp xếp và lo liệu toàn bộ từ việc đi lại, ăn ở cho tôi và các thành viên trong BSK và chúng tôi đã đạt được thành tích thật sự đáng tự hào: David F (vị trí thứ 3 cự ly 100km nam) , Trung (vị trí thứ 4  cự ly 100km nam), David S (vị trí thứ 7 cự ly 70km nam), and Anh (giải nhì cự ly 42km nữ). Tôi thực sự biết ơn Trung vì nỗ lực tập hợp và chuẩn bị chu đáo cho nhóm trong cuộc đua này.

Chúng tôi cũng đã thường xuyên cùng tập luyện cho cuộc đua. Tất cả các thành viên trong nhóm đã cho tôi lời khuyên về việc chạy trail và nhiệt tình quan tâm đến tôi.

 

8. Chị có lời khuyên nào cho những ai đang dự định tham gia các cự ly đường trường của VMM lần đầu tiên không?

Tập luyện cho cự ly VMM 100km là thực sự cần thiết. Tập trung vào việc tập luyện trên đồi và dốc bởi cung đường VMM có độ dốc cao. Thêm việc chạy 30 đến 50km vào việc tập luyện hàng tuần cũng sẽ giúp bạn hoàn thành cuộc đua dễ dàng hơn. Và điều quan trọng nhất là ăn uống và nghỉ ngơi tốt sau mỗi buổi tập luyện.

 

9. Kế hoạch cho một cuộc đua tiếp theo tại Việt Nam của chị?

Tôi sẽ tham gia Vietnam Trail Marathon trong năm 2019 tới.

 

10. Vật dụng yêu thích của chị trong bộ dụng cụ chạy trail?

Chiếc khăn đa năng (buff) là vật dụng luôn theo tôi trong các cuộc chạy trail. Nó vừa giúp giữ tóc không che mặt, thấm mồ hôi và cũng tiện dụng như một chiếc găng tay khi cần thiết.

 

11. Kỷ niệm chạy bộ thú vị/hài hước nhất của chị?

Tôi có hai kỷ niệm và chúng đều từ VMM – tại hai đoạn vượt suối. Ở con suối đầu tiên, tôi đã chạy ngay ra giữa dòng suối, nước sâu tới đầu gối, tôi bị trượt trên sỏi và ngã xuống nước. Một bạn chụp ảnh đã bảo nhẽ ra tôi nên chạy xuống một đoạn nữa rồi hãy vượt suối! Thật ngại quá, nhưng nước lạnh đã giúp tôi tỉnh táo hơn khi bình mình vừa ló rạng.

Kỷ niệm thứ hai là tại con suối băng qua thửa ruộng bậc thang. Tôi đã chạy về phía bên kia bờ suối trên tấm ván gỗ nhỏ, tôi đã mất thăng bằng rồi ngã xuống nước lần thứ hai khi chỉ còn 2 bước chân nữa là tới bờ. Tôi nghe tiếng ai đó cười và nhìn thấy một bạn chụp ảnh chụp tôi. Một kỷ niệm xấu hổ khác nhưng thực sự cảm ơn các nhiếp ảnh gia vì những bức ảnh ở suối của tôi rất đẹp!