Sau tám năm gắn bó với bộ môn chạy địa hình, Nguyễn Sĩ Hiếu đã trở thành một trong những gương mặt sáng giá nhất của làng chạy bộ đường dài Việt Nam. Mở đầu 2025 đầy ấn tượng, anh giành chiến thắng thuyết phục tại Vietnam Trail Marathon 70km, rồi tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ với hai lần về vị trí thứ 3 tại Vietnam Ultra Marathon 75km và Rinjani 100. Trong cuộc trò chuyện này, Hiếu chia sẻ về hành trình cũng như những trải nghiệm quý giá đằng sau những thành tích đáng nhớ ấy.
VUM 2025 là một trong những cuộc đua đáng nhớ nhất trong 8 năm chạy trail (chạy bộ đường mòn) của mình. Trong một cuộc đua có sự cạnh tranh rất cao, mình đã phải liên tục nỗ lực từ khi xuất phát và chỉ vươn lên vị trí thứ 3 trong vài cây số cuối cùng. Cho tới những mét cuối, thì mình mới hoàn toàn yên tâm với vị trí thứ 3, điều đó đã làm mình rất vui sướng.
Hình ảnh Nguyễn Sĩ Hiếu trên đường chạy Vietnam Ultra Marathon mùa giải đầu tiên
Cự ly 75km VUM lần này có sự tham gia của nhiều vận động viên nước ngoài rất giỏi, trong đó 4 nam có ITRA index trên 800 điểm và 3 VĐV nữ có ITRA index trên 730 điểm, ITRA index của mình là 721 điểm. Mình đã có một số cuộc đua về đích sau một số VĐV đó, và khoảng cách thời gian rất xa. Tại VUM 70km năm 2024, mình về thứ 2 sau nhà vô địch John Ray Onifa với khoảng cách 50 phút. Năm nay, John Ray vẫn là người vô địch, nhưng mình đã rút ngắn khoảng cách xuống còn 9 phút.
Đặc biệt, mình đã duy trì được tốc độ tốt từ đầu đến cuối cuộc đua, điều đó rất có ý nghĩa với mình, thể hiện mình đã tiến bộ về mặt thể chất. Theo mình đó là kết quả của hai thay đổi chính mình đã thực hiện từ cuối năm 2024: một là tập chạy road dài hơn (trước kia hiếm khi mình chạy road trên 25km, vì cảm thấy rất nhàm chán), thứ hai là mình dành nhiều thời gian hơn để khởi động (tại chỗ), tập bổ trợ, giãn cơ và massage.
Mình rất thích khung cảnh ở thung lũng Mai Châu. Dù du lịch đã rất phát triển ở đây, nhưng Mai Châu vẫn giữ được bản sắc địa phương. Điều đó rất tuyệt. Giải đấu năm nay có nhiều vận động viên giỏi nên điều đó càng kích thích tinh thần cạnh tranh của mình hơn.
Hình ảnh khu vực xuất phát và về đích của VUM 2025
Trọng tâm tập luyện, thi đấu của mình là các tháng mát mẻ ở miền Bắc (từ tháng 9 đến tháng 4), VTM, VUM nằm trong giai đoạn này. Mình đã có 8 năm kinh nghiệm tập luyện chạy bộ rồi nên không gặp nhiều khó khăn để hồi phục sau khi kết thúc VTM. Sau VTM thì mình tập nhẹ và ngủ nhiều hơn trong 1 tuần và rồi trở lại tập luyện bình thường để chuẩn bị cho VUM.
Nguyễn Sĩ Hiếu trên đường chạy Vietnam Ultra Marathon 2025, anh giành vị trí thứ 3
Chiến thuật của mình là bám sát các vận động viên dẫn đầu, cố gắng tăng tốc ở những đoạn đường ít dốc và vào ra các trạm tiếp sức nhanh nhất có thể. Trạm tiếp sức dừng lại lâu nhất của mình chỉ là 43 giây, mặc dù mình không có đội ngũ hỗ trợ riêng, nhưng các bạn thành viên BTC cũng đã giúp đỡ mình rất nhiều tại các trạm tiếp sức.
Mình nghĩ rằng đó là một ngày may mắn khi Lodewijk thời điểm đó không có sự sung sức tốt nhất, còn mình thì ngược lại. Nên mình đã tận dụng tốt may mắn của mình.
Không chỉ riêng Lodewijk, các VĐV khác chạy cùng nhóm đã liên tục thúc đẩy mình phải nỗ lực hơn. Đó là Hà Hậu (nhà vô địch nữ 75km VUM 2025), Chính, Kristian, Alexandre. Chắc chắn không có sự thúc đẩy của họ thì mình sẽ khó đạt được kết quả thời gian tốt như vậy.
Mình nghĩ rằng rất khó để có thể làm tốt hơn được nữa, đó là cuộc đua mà mọi thứ mình đều thực hiện tốt.
Hình ảnh Nguyễn Sĩ Hiếu trên đường chạy Rinjani 2025
Nguyễn Sĩ Hiếu chụp cùng nhà vô địch Rinjani 100 – Sange Sherpa
Thử thách lớn nhất với mình là những dốc núi dựng đứng phải leo bằng cầu thang sắt, hoặc khi không có cầu thang thì phải bám vào các vách cỏ để leo. Thú thật là mình khá sợ độ cao (haha), nên rất run mỗi khi phải leo lên những dốc thẳng đứng như vậy (còn khi leo xuống thì lại thấy bình thường, hi). Những đoạn đó thì chỉ cố gắng bám chặt tay và leo thật chắc thôi.
Vì thời gian thi đấu rất dài nên mình chủ yếu ăn các loại đồ ăn bình thường như cơm, bánh mì, hoa quả. Ban ngày trời nắng nóng, mình uống Tailwind để bổ sung điện giải và năng lượng. Đến đoạn cuối và vào đêm thứ hai thì mình mới dùng thêm coffee gel và uống cà phê để cố gắng vượt nốt hai đỉnh núi cuối cùng.
Mình xác định đây không phải là một cuộc đua, mà là một hành trình khám phá một kỳ quan thiên nhiên. Vậy nên mình không suy nghĩ nhiều, chỉ tập trung vào bản thân và bước tiếp về phía trước.
Ở các cuộc đua ngắn, bản thân mình luôn phải gắng sức tối đa trên từng km, thậm chí ở các checkpoint mình chỉ dừng lại chưa đến 1 phút. Còn với những cuộc đua dài như Rinjani hay VMM 100 miles, tốc độ thi đấu chậm rãi và thoải mái hơn rất nhiều, đồng thời cần nghỉ ngơi lâu hơn ở các checkpoint để bổ sung năng lượng.
Mình đã đặt mục tiêu cho Rinjani 162km từ cuối tháng 11/2024. VTM và VUM là hai giải có tính cạnh tranh rất cao, vì vậy đây là cơ hội tuyệt vời để mình xây dựng nền tảng thể lực tốt nhất cho Rinjani. Sau đó, mình mới chuyển sang giai đoạn cuối: tập luyện mô phỏng tốc độ, độ dốc và chế độ dinh dưỡng của một cuộc đua dài như Rinjani (specific training).
Mình sẽ không thay đổi quá nhiều trong quá trình tập luyện cho cự ly 100km tại VMM.
Mình không đặt mục tiêu thứ hạng tại Rinjani, nhưng mình đã kỳ vọng hoàn thành dưới 48 giờ, và rất vui khi đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, điều mang lại niềm vui và ý nghĩa lớn nhất với mình chính là được trải nghiệm toàn bộ cung đường.
Mình gần như đã lên kế hoạch cho cả năm 2025, trong đó VMM 100km là một phần vô cùng quan trọng. Với mình, trail running là sự kết hợp giữa khám phá thiên nhiên, vượt qua giới hạn bản thân và cạnh tranh. VMM thì luôn vô cùng cạnh tranh, và đặc biệt hơn nữa là năm nay giải sẽ thuộc hệ thống World Trail Majors.
Hãy đón đọc phần hỏi đáp tiếp theo cùng Hiếu, nơi anh sẽ chia sẻ thêm về tư duy thi đấu, quá trình tập luyện, phục hồi và nhiều điều thú vị khác…